KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Niềm Vui Mong Đợi (CN 3 Mùa Vọng Năm B)
Nếu có được một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa sâu xa, chẳng những chúng ta được nếm hưởng niềm vui dạt dào của Ngài, mà còn có khả năng để nói với mọi người cách hồn nhiên và đầy tính thuyết phục: “Giữa anh chị em có một Đấng mà anh chị em không biết”

Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật Vui Mừng. Vui vì đại lễ Giáng Sinh gần kề. Nhưng cái lý do cội nguồn là vì Đấng chúng ta mong đợi, Chúa Kitô, là chính Niềm Vui.  Ngài là niềm vui của chúng ta. Một niềm vui chân thực, vững bền, có thể giúp vượt thắng thử thách để vui sống.

 

Bài đọc một từ sách Isaia tràn ngập hình ảnh vui tươi: Thiên Chúa loan báo sự can thiệp của Ngài, và mời gọi mọi người hãy vui lên trước tin mừng này. Là ngôn sứ, Isaia được cảm nghiệm niềm vui đợi chờ trong chính sứ mạng của mình: ông được Thánh Thần xức dầu để ra đi loan báo tin mừng cho người nghèo, ơn giải thoát cho người tù đầy, và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa. Thời đại của Đấng Messia còn được diễn tả như niềm vui của ngày cưới, như chồi lộc chứa chan hy vọng trong cuộc sống.

 

Nhưng những gì mà tiên tri Isaia loan báo chỉ hoàn tất nơi chính Chúa Kitô, Đấng mà Gioan đã đến để dọn đường, và cũng chính là người giới thiệu và làm chứng cho Ngài, như ông đã khẳng định với những người Do thái: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa ngay đường Chúa”. Ông đến làm chứng cho Đấng đến sau ông, nhưng lại có trước ông.  Ngài là ‘ánh sáng’ chân thật đã chiếu vào trần gian u tối.

 

Chính Ngài đã xác định sau này, khi khởi đầu cuộc đời công khai: những gì nói về ơn gọi của Isaia ở trên, đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Ngài. Đó là lý do làm cho sự mong đợi của ta hôm nay ngập tràn hy vọng và niềm vui. Nhưng niềm vui chỉ thấm nhập đời ta, khi ta gặp được Chúa, Đấng đã đến ở giữa chúng ta, và chúng ta vẫn tiếp tục đợi chờ lần Ngài lại đến, để đưa ta đi vào Niềm Vui trọn vẹn và vĩnh cửu.

 

Chính trong nỗi đợi chờ ấy, chúng ta được mời gọi: “Hãy cầu nguyện. Hãy tránh xa điều dữ dưới mọi hình thức”:

 

Vâng, trong lúc chờ đợi ngày Chúa quang lâm, chúng ta được Chúa mời gọi tỉnh thức qua những thái độ mà thánh Phaolô tông đồ gợi mở:

 

  • Trước tiên là luôn vui mừng tạ ơn Chúa, khi nhận biết hồng ân lớn lao mà Chúa ban tặng cho chúng ta trong Chúa Kitô. Chính nhờ Ngài mà cuộc đời chúng ta mang một ý nghĩa cao đẹp, một giá trị phong phú, và một niềm hy vọng vững bền. 
  • “Hãy cầu nguyện không ngừng”. Đó là những phút giây giúp ta mở lòng đón nhận ánh sáng và ân sủng của Thiên Chúa. Những phút giây tuyệt đối quan trọng đưa chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ Chúa hôm nay, để được ướp thắm niềm vui cứu độ của Ngài.- “ Đừng dập tắt Thánh Thần”. Nhờ mở rộng lòng cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta mới có khả năng để nhận biết thánh ý Chúa trong từng phút giây, từng biến cố trong đời, để can đảm đáp trả. 

Cuối cùng, “hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức”, bởi sự dữ ngăn cản chúng ta đến với Chúa. 

Sống như vậy là chúng ta vừa sẵn sàng đợi đón Chúa đến trong vinh quang ngày sau hết, vừa để Chúa chiếm ngự bằng ân sủng mỗi phút giây hôm nay, khi mở rộng tấm lòng, mở rộng con mắt lòng tin, để nhận ra điều mà Gioan nói với chúng ta: “Giữa anh chị em có một Đấng mà anh chị em không biết”:

Vâng, Ngài vẫn ở mãi giữa chúng ta:

  • Ngài ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu hôm nào Chúa đã dùng thân xác để biểu tỏ thần tính, thì hôm nay, Chúa dùng bánh rượu để hiện diện với chúng ta. Dấu chỉ này hay dấu chỉ khác, có chi quan trọng? Có gì mà Chúa không làm được? 
  • Ngài ở giữa chúng ta trong Lời của Ngài. Nhờ Thánh Thần mà Lời trong Sách Thánh vẫn mãi mang tròn hiệu lực một Lời hằng sống, linh nghiệm có sức nuôi dưỡng và đổi mới tâm hồn. 
  • Ngài ở giữa chúng ta trong mỗi người anh chị em, nhất là những anh chị em bất hạnh. Họ là hình ảnh của Chúa. Họ là con cái của Chúa. Yêu họ và phục vụ họ như với chính Chúa chắc chắn sẽ dẫn chúng ta đi dần vào một trực giác đức tin sống động trong một xác tín lớn lao: “Mỗi lần các con làm ơn cho một người bé mọn là các con làm cho chính Ta”. 

 Gặp được Ngài hôm nay sẽ là bảo chứng chắc chắn cho cuộc cuộc hạnh ngộ với Ngài trong phút giây cuối cùng của đời mình, và đặc biệt trong ngày Chúa trở lại

 

Nếu có được một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa sâu xa, chẳng những chúng ta được nếm hưởng niềm vui dạt dào của Ngài, mà còn có khả năng để nói với mọi người cách hồn nhiên và đầy tính thuyết phục: “Giữa anh chị em có một Đấng mà anh chị em không biết”. Đó là lúc mà chúng ta trở nên một Gioan của thời đại hôm nay: người dọn đường, người giới thiệu, để Chúa đến được với lòng người, để Chúa được hiện diện mỗi lúc sâu thẳm hơn giữa trần đời hôm nay. Amen.

 

Lm. Antôn Trần Bạch Hổ, SVD