KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
SỐNG LÀ ĐỘI ƠN và ĐỘI ƠN LÀ SỐNG (Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT)
Đứng trước những ơn lành Chúa ban, chúng ta hay dùng các từ như tạ ơn, cảm ơn, ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn. Nhưng có lẽ một từ mộc mạc và đầy ý nghĩa nhất mà lâu nay chúng ta quên không dùng đó là ĐỘI ƠN. Đội trên đầu thì phải sấp mình, quì gối xuống mà tôn vinh Đấng ban ơn.

Trình thuật Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho mười người bị bịnh phong cùi, thế mà chỉ có một người bộc lộ lòng biết ơn, quay trở lại và tôn vinh Thiên Chúa, mà ông ta lại là người ngoại giáo, còn chín người kia tiếp tục đi trình diện với các tư tế. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra một điều là khi con người hoạn nạn thì có nhau, đến khi được chữa lành thì có sự khác biệt. Chín người vẫn sống dựa vào lề luật, chỉ có một người quay trở lại gặp Đức Giêsu, để cảm ơn Người và được đổi mới.

Chúng ta thì sao? Vẫn sống và chu toàn mọi khoản luật như là nguồn sức mạnh cứu thoát chúng ta hay sẵn sàng nhận biết ơn Chúa với lòng cảm tạ mà  tôn vinh và thờ lậy Người. Không ai trả lời vấn nạn này thay cho chúng ta. 

Đối với Thiên Chúa, điều làm cho con người có giá trị là thái độ và cách ứng xử của chúng ta trước lượng ân sủng vô biên của Thiên Chúa đổ trên chúng ta. Chúng ta đã làm gì với các hồng ân cao cả như thế. Thánh Gioan cho biết: “Tự nguồn sung mãn của Chúa, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.” (Gioan 1:16) Người ban cho mỗi người những ơn họ cần, tùy thuộc vào khả năng đón nhận của từng người, nhưng cùng mục đích là để họ sống tốt đẹp và thánh thiện hơn. 

Có nhiều ơn rất tự nhiên, tự nhiên đến độ chúng ta quên luôn người đã tạo ra các ơn huệ đó. Thí dụ không khí và hơi thở. Trong thời gian chống trả với nạn đại dịch do Covid-19 gây ra, nhất là khi chứng kiến các bịnh nhân thở mệt nhọc vì thiếu dưỡng khí, tôi mới nhớ lại nguồn năng lực này. Nếu không có dưỡng khí, mấy ai trong chúng ta còn sống được. Hàng triệu người đã chết vì Covid, thế mà chúng ta vẫn còn sống đây. Không là hồng ân được ban tặng thì là điều gì nữa đây, thế mà chúng ta vẫn sống như người vô ơn! 

Trong cuộc sống, đã có bao nhiêu dấu chỉ nói lên sự can thiệp và thông ơn của Thiên Chúa. Nếu không có ơn Chúa thì làm sao vợ chồng có thể yêu thương, kính trọng và luôn làm gương sáng cho con cái được? Nếu Chúa không hoạt động thì làm sao ông cha này, bà phước kia hay thầy dòng nọ có thể quên ‘cái tôi’ của bản thân mà hết lòng phục vụ dân Chúa? Kể sao cho hết những ơn lành Chúa ban cho như ơn khôn ngoan, sự hiểu biết, cơ hội phục vụ, sức khỏe tráng kiện, đầu óc minh mẫn, con tim trong sáng, đồng cảm để tha thứ cho nhau, và ngay cả các đau khổ cũng là cơ hội để giúp mình nhận ra sự bất toàn và mỏng dòn của thân phận con người mà nương tựa vào Chúa hơn…, tất cả đều là ơn của Chúa. Điều quan trọng là mắt chúng ta có mở rộng đủ để nhận ra ơn Chúa hay là lại nghĩ rằng đó là những gì mình xứng đáng được, và nếu như thế thì hình như chúng ta đã coi Chúa như là người đầy tớ thay vì Đấng ban ơn rồi!

Đứng trước những ơn lành Chúa ban, chúng ta hay dùng các từ như tạ ơn, cảm ơn, ghi ơn, nhớ ơn, biết ơn. Nhưng có lẽ một từ mộc mạc và đầy ý nghĩa nhất mà lâu nay chúng ta quên không dùng đó là ĐỘI ƠN. Đội trên đầu thì phải sấp mình, quì gối xuống mà tôn vinh Đấng ban ơn. Đó chính là mẫu mực và cách hành xử của người Sa-ma-ri-a làm hôm nay. 

Bằng cử chỉ trở lại để đội ơn Chúa đã làm cho người Sa-ma-ri-a được chữa lành hoàn toàn, về phần xác anh được khỏi bịnh phong cùi và phần hồn anh được đổi mới để nhận biết Chúa là gia nghiệp và là sức sống của anh. Thật vậy, điều Chúa phán “Đứng dậy về đi! Lòng tin của con đã cứu chữa con” đã ứng nghiệm trong cuộc sống của anh ngay trong giây phút anh gặp Chúa.

Xin cho cuộc sống của chúng con là một chuỗi ngày đội ơn Chúa, Đấng thường xuyên săn sóc, bảo vệ và ban ơn chữa lành cho chúng ta về phần hồn cũng như phần xác. Amen!

Linh mục Giuse Mai Văn Thịnh