KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật 14 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/uopL1XpZ-kA

 

Bài đọc thứ hai cho chúng ta thấy dường như thánh Phaolô đang có vấn đề. Không ai biết đó là vấn đề gì. Chúng ta chỉ biết rằng một sự yếu đuối đang tìm cách đánh ngã ngài và ngài ví sự yếu đuối đó “như một cái dằm đâm vào thịt, một thần sứ của Satan vả mặt ngài để ngài khỏi tự cao tự đại” (2 Cor. 12: 7). Cảm thấy xấu hổ vì những yếu đuối đó cho nên 3 lần ngài xin Chúa hãy cất những yếu đuối đó ra khỏi ngài. Đối với ngài thì làm sao một người yếu đuối, luôn hướng chiều về tội lỗi, lại có đủ tư cách để làm việc cho Chúa, nhưng Chúa trả lời: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối” (2 Cor 12:8).

“Sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối’ có nghĩa rằng Chúa thực hiện những kỳ công của Người qua chúng ta, mặc cho những yếu đuối của chúng ta. Vì nhận ra điều này, cho nên, thánh Phaolô đã vui sướng khoe mình về sự yếu đuối đó, nhưng khi khoe như vậy, ngài không có ý nói rằng ngài hạnh phúc hay vui mừng với những hướng chiều về tội lỗi nhưng là vì quyền năng của Chúa được bày tỏ trong ngài mặc cho những yếu đuối của ngài.

Trong cuộc sống, thỉnh thoảng chúng ta thường bị lấn át bởi những yếu đuối của việc quá tự tin vào sự hiểu biết và nhận xét của mình cho nên ơn Chúa không đến với chúng ta. Một thái độ mà Tin mừng hôm nay nói rằng “Vấp phạm.” Tin Mừng cho thấy rõ hậu quả của việc này khi tường thuật người dân Nazareth vì quá tin vào những nhận xét của họ nên đã không chịu lắng nghe và tìm hiểu con người đích thực của Chúa vì thế “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” (Mk 6:5). Chúa có làm phép lạ hay không thì không chỉ tùy thuộc vào quyền năng của Người nhưng còn tùy thuộc vào lòng tin của chính đối tượng của phép lạ đó.

Các bài đọc hôm nay cũng khiến cho chúng ta tự hỏi rằng trong chúng ta ai dám tự hào rằng chỉ có mình mới xứng đáng trước mặt Chúa? Chúng ta sẽ không xứng đáng trước mặt Chúa nếu không có “Ơn của Chúa, và sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối” của chúng ta. Ân sủng của Chúa đủ để chúng ta vượt qua được những yếu đuối của chúng ta nếu chúng ta nhận thức được sự yếu đuối của mình và chịu cộng tác với Người.

Thánh Phêrô vì yếu đuối đã chối Chúa ba lần, và thánh Phaolô một người nhiệt thành bách đạo trước biến cố ngã ngựa trên đường đi Damas, sau biến cố đó, ngài đã trở thành một người nhiệt thành để rao truyền cho những điều mà trước đó ngài cho rằng lạc giáo, hai ngài đã sống với quá khứ giữa sự hiện diện của những người biết về quá khứ của các ngài. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu không tranh luận hoặc bảo vệ khi nghe dân chúng đặt vấn đề về quá khứ của Người nhưng vẫn tiếp tục làm việc trong cương vị của một tiên tri. Những nghi vấn của người dân Nazareth không làm cho Chúa phải nghi ngờ về chính Mình, Người để vấn đề đó để họ tự tìm lấy câu trả lời, và cũng để cho những người chỉ trích phải gãi đầu thắc mắc về giáo huấn, việc làm và cách mà Người thực hiện. Người muốn họ phải tự tìm hiểu để tự bước ra khỏi khuôn khổ mà họ đã bị đóng khung. Người muốn họ phải trưởng thành trong tự do để cho phép Chúa trở thành Thiên Chúa tình yêu của họ.

Giống như Phêrô, và Phaolô, mỗi chúng ta cũng phải sống với quá khứ của mình, một quá khứ mà nhiều khi chỉ có cá nhân chúng ta mới biết. Đôi khi cảm thấy áy náy về những quá khứ đó, cho nên đã thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, làm sao con có thể là một Kitô hữu tốt trong khi con là một người yếu đuối, tội lỗi. Và giống như Phaolô, chúng ta đặt điều kiện với Chúa: Nếu Chúa cất những yếu đuối ra khỏi con, con cam đoan là sẽ làm tốt những việc mà Chúa muốn con làm. Chúa sẽ không tranh luận với chúng ta nhưng chắc chắn sẽ trả lời: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối” của con.

Chúa luôn làm việc bên trong tâm hồn của mỗi người. Chúa muốn chúng ta nên thánh, và luôn muốn dùng chúng ta như dụng cụ để loan báo Tin Mừng, Người sẽ ở bên cạnh và ban cho chúng ta những gì chúng ta cần khi cần đến. Chúa không nhìn vào quá khứ của chúng ta tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta có can đảm để nhận ra yếu đuối của mình và cho phép ơn Chúa và sức mạnh của Người được tỏ bày trong sự yếu đuối của chúng ta hay không.

Đừng bao giờ tự đánh lừa mình với việc cho mình là hoàn hảo. Chúa không tạo dựng một con người hoàn hảo nhưng là một con người với một tiềm năng cho sự hoàn hảo. Để hoàn hảo, chúng ta phải nhận ra đâu là sức mạnh và yếu đuối của mình, cố gắng để cân bằng, và làm cho chúng trở thành lợi thế của chúng ta.