KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B (Lm F.X Nguyễn văn Tuyết)
Cầu xin “cho được nhìn thấy” là điều cần phải làm bởi vì đây là khởi đầu cho một mối tương quan chân thật với mình, với Chúa và với tha nhân. Một mối tương quan đòi hỏi một tâm tình cởi mở để kiểm điểm mọi khía cạnh của cuộc sống.

Cho Con Xin Được Thấy.

Theo Tin Mừng, chữa lành thể lý luôn mang một ý nghĩa về tâm linh. Trong khi việc nhìn thấy thể lý là điều ai cũng mong muốn thì việc nhìn thấy tâm linh lại là điều cần thiết cho ơn cứu rỗi. Bartimê, người mù ăn xin ngồi bên lề đường một cách nào đó đã không bị mù. Ông chỉ không nhìn thấy theo phương diện thể lý nhưng tâm linh lại nhìn thấy rõ hơn so với nhiều người chung quanh, những người luôn tự hào có mắt nhưng lại không nhìn thấy đâu là điều quan trọng nhất của cuộc sống. 

Khi nghe Chúa Giêsu đi qua, với tâm tình tín thác ông cầu xin để được chữa lành. Lời cầu xin phát xuất từ một tâm hồn tín thác đã gây được sự chú ý của Chúa Giêsu. Khi được hỏi “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” (Mc 10:51). Đối với ông, cuộc sống không nhìn thấy ánh sáng là một đêm dài đầy đau khổ. Trong mù loà ông nhận ra rằng hạnh phúc của cuộc sống là được nhìn thấy ý nghĩa đích thực, và hướng đi của cuộc sống là biết được Thiên Chúa ở đâu, và đâu là nơi có thể tìm được chân thiện mỹ. Cho nên không một chút ngần ngừ ông trả lời: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc :51). Và ông đã được nhìn thấy, ông không chỉ nhìn thấy bằng mắt thường nhưng quan trọng hơn bằng trái tim của ông. Chúa không chỉ cho ông nhìn thấy ánh sáng nhưng còn mở mắt để ông nhận ra phẩm giá của ông. Ông không chỉ nhìn thấy ánh sáng nhưng còn nhận ra Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, là nguồn của sự sáng.

Chúng ta có thể là những nạn nhân của một loại mù loà nào đó. Có những lúc chúng ta không thấy hoặc cố ý không muốn thấy. Có những lúc chúng ta chỉ nhìn thấy khía cạnh này mà không nhìn thấy khía cạnh kia. Nhiều khi chúng ta có thái độ giống như đám đông trong Tin mừng ngăn cản người mù đến gặp Chúa. Đôi khi chúng ta thích độc thoại trong đối thoại. Chúng ta chỉ thấy người khác có lỗi với mình nhưng lại không nhận ra mình cũng có lỗi với người khác cho nên chỉ muốn người khác xin lỗi mình nhưng lại không bao giờ xin lỗi người khác. Đôi khi vì không hiểu được ý nghĩa về đau khổ mà chúng ta đang trải qua nên luôn than thân trách phận. 

Vì thế cầu xin “cho được nhìn thấy” là điều cần phải làm bởi vì đây là khởi đầu cho một mối tương quan chân thật với mình, với Chúa và với tha nhân. Một mối tương quan đòi hỏi một tâm tình cởi mở để kiểm điểm mọi khía cạnh của cuộc sống. Một mối tương quan mời gọi một tâm hồn hoàn toàn chân thật để đối diện với tội lỗi, lo sợ, ham muốn và bất an để qua đó có thể nhìn thấy mình đang sống cuộc sống của một người Công giáo trung tín hay đang ôm lấy những giáo lý sai lạc có thể làm cho đức tin của mình bị nguy hiểm?  

Đôi mắt sẽ trở nên ít hữu dụng nếu chúng ta không nhìn thấy bàn tay của Chúa đang làm việc trong cuộc sống của mình.

Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.