KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Chịu Phép Rửa Năm C (Lm Remy Bùi Sơn Lâm)
Thánh Kinh, dưới ánh sáng Niềm Tin Phục Sinh, vốn lưu giữ và trân trọng biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa là một phần rất ý nghĩa trong truyền thống về “Hiển Linh”.

Khởi đầu mới hằng năm... 

Năm mới 2022 đã bắt đầu mở ra với những kỷ niệm và ước mơ đong đầy... Ngành khoa học không gian Hoa Kỳ đặc biệt mừng kỷ niệm 50 năm ngày con người lần đầu tiên có thể đặt chân lên cung trăng (20/9/1969). Lời reo vui bất hủ hôm ấy của phi hành gia tiên phong, Neil Armstrong, lại vang vọng với nhiều ý vị và tự hào hơn xưa: “a small step for (a) man, a giant leap for mankind” (một bước nhỏ đối với một người, một bước nhảy vĩ đại đối với nhân loại). Thành tựu của 50 năm trước thật đã mở lối cho nhiều thành tựu lớn lao khác trong việc thám hiểm không gian. Thí dụ như, vào ngày đầu năm 2019, thì phi thuyền New Horizons đã có thể tiếp cận và chụp hình được 1 khối thiên thạch ở tận vòng ngoài của Thái Dương Hệ, cách xa địa cầu 6.4 tỉ cây số! (cung trăng chỉ cách xa trung bình 384,400 cây số) 

Thường thì khi nhìn lại, chúng ta có thể học biết và tán thưởng ý nghĩa cũng như giá trị của một biến cố quá khứ cách sâu đậm hơn nhiều so với lúc biến cố ấy xảy ra!? Hẳn nhiên, biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa trên sông Gióc-đan mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay cũng là 1 trường hợp điển hình. 

Thánh Kinh, dưới ánh sáng Niềm Tin Phục Sinh, vốn lưu giữ và trân trọng biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa là một phần rất ý nghĩa trong truyền thống về “Hiển Linh” (sự tỏ bày vinh quang và ý định của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, truyền thống bao gồm 2 biến cố khác: cuộc viếng thăm / tôn thờ của các Đạo sĩ từ Đông phương và phép lạ nước hóa rượu tại Cana) Tin Mừng Luca (Lc 3:15-16, 21-22) hôm nay làm nổi bật biến cố này là khởi điểm sứ vụ công khai của Chúa Giê-su, cũng là một khởi đầu quyết định cho chương trình cứu độ của Chúa Ba Ngôi. Những chi tiết rất giàu ý nghĩa và biểu tượng được ghi nhận: thí dụ, sau khi Chúa chịu Phép Rửa, Ngài đang cầu nguyện thì “trời mở ra”. Đây là hình ảnh gợi nhớ lời nguyện xin từ thuở xa xưa: “Ôi Lạy Chúa, xin hãy xé mở tầng trời ra và ngự xuống” (TV 144:5; Is 63:19) Thiên Chúa giờ đây đáp ứng khát khao của con người để khai mào một thời đại mới qua việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và đến giữa trần gian. Hình ảnh Chúa Thánh Thần “dưới hình cánh bồ câu” sà xuống trên Chúa Giê-su nhắc nhớ điển cố Thần Khí Thiên Chúa “bay lượn trên mặt nước” lúc vũ trụ và vạn vật còn trong hỗn mang tăm tối thuở sắp được tạo dựng. Giờ đây, dưới tác động của cùng một quyền năng Thánh Thần, Chúa Giê-su được thánh hiến và sai đi để rao giảng và khởi đầu một công trình sáng tạo mới – trời mới đất mới của ơn cứu độ như đã hứa (x. St 1:2; Is 65:17-18). Với lời công bố của Chúa Cha từ trời cao: “Con là Con yêu dấu của 

Cha, Con đẹp lòng Cha”. Chúa Giê-su được giới thiệu là chính Adam mới, khôi phục những gì đã bị đổ vỡ và chia cắt bởi tội lỗi từ Adam xưa (x. 1 Cor 15:45,47,49) 

Khởi đầu rất ý nghĩa và quan trọng ấy trong sứ vụ của Chúa Kitô cũng đã là khởi đầu của đời sống tâm linh, là nền tảng kiến tạo chính căn tính, địa vị, sứ vụ và vinh phúc muôn đời của mỗi tín hữu chúng ta. Thật vậy, qua dòng Nước Thánh, “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” mỗi chúng ta đã được sinh lại là “tạo vật mới”; được ấp ủ như “Con yêu dấu” của Cha trên trời; được thánh hiến làm “cộng sự viên” của Chúa Kitô; được tín thác là thành viên rực rỡ của Dân Chúa (x. Bài đọc 2: Tt 2:11-14; 3:4-7; Col 2:12-13) 

Lễ mừng kính hôm nay chính thức khép lại phụng vụ Mùa Giáng Sinh và mở ra hành trình năm mới với phụng vụ Mùa Thường Niên. Hãy khởi đầu lại hằng năm với niềm tự hào về địa vị và giá trị đích thực ấy của mình! Hãy làm sống động và nối dài ân phúc của Bí Tích Rửa Tội qua những chọn lựa và dấn thân từng ngày cho gia đình, cho cộng đoàn và xã hội quanh ta theo gương mẫu của Chúa Giê-su... 

Lm. Remy Bùi Sơn Lâm.