KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi (Lm Paul Chu Văn Chi)
Mỗi ngày, chúng ta đều tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi bằng những lần làm Dấu Thánh Giá. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi khi cùng dâng Thánh Lễ qua kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Dấu Thánh Giá, và Phép Lành kết Lễ. Thiên Chúa Ba Ngôi gắn liền với đời sống người Công Giáo.

TUYÊN XƯNG CHÚA BA NGÔI. 

Trong Tin Mừng Matthêu Thánh Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay, Chúa Giêsu truyền cho tất cả chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." (Mt. 28: 19-20). Chúa Giêsu trước khi về trời đã trao sứ mạng tuyên xưng và rao giảng Thiên Chúa Ba Ngôi cho mọi người Công Giáo chúng ta.

 

Trong tang lễ của trùm Cộng Sản Brezhnev, Tổng Thống Bush kể lại: “Các nhà lãnh đạo Xô Viết đứng vào vị trí của họ trên Bức tường Kremlin khi gia đình Brezhnev đi theo sau quan tài đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi tình cờ đứng ở chỗ rất tốt để nhìn thấy rõ bà Brezhnev, bà Victoria Petrovna. Bà bước đến quan tài, nhìn chồng lần cuối cùng và tại đấy-ngay chính trung tâm lạnh giá, xám xịt của nhà nước toàn trị ấy, bà vạch dấu Thánh giá trên ngực chồng: Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần.”

 

Thánh Kinh trình bày nhiều lần về "mầu nhiệm Ba Ngôi". Ðặc biệt Phúc Âm Thánh Gioan nói về Cha Ðức Giêsu và Chúa Thánh Linh. Câu Phúc Âm quan trọng nhất về Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc Âm Matthêu khi Chúa Giêsu truyền bảo các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ Nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế." (Mt. 28: 19-20). Hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi diễn tả khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Jordan. Lúc đó một hình chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu, và tiếng từ trời phán ra: "Con là Con Ta yêu dấu" (Mt 1: 11). Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Nhiều lần tôi viếng thăm Hang Toại Đạo San Callisto tại Roma, nơi có tượng Thánh Nữ Cecilia Tử Đạo khi bị chém đầu, Thánh Nữ đã giơ 3 ngón tay để tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Nữ Cecilia Tử Đạo vào khoảng năm 229 thời Hoàng Đế Severo Alessandro (222-235). Ngài đã đưa chồng là Valeriano và em chồng là Tiburzio trở lại đạo Công Giáo. Sau đó, cả 3 người đều được Tử Đạo khi tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mỗi ngày, chúng ta đều tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi bằng những lần làm Dấu Thánh Giá. Chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi khi cùng dâng Thánh Lễ qua kinh Vinh Danh, Kinh Tin Kính, Dấu Thánh Giá, và Phép Lành kết Lễ…Thiên Chúa Ba Ngôi gắn liền với đời sống người Công Giáo… Chúng ta dâng lên Chúa lòng tôn thờ xứng đáng, vì không những chúng ta là một thụ tạo của Đấng Tạo Hóa, một thần dân của Vua cao cả, một người con trong Gia Đình Thiên Chúa, chúng ta còn là những linh hồn được tuyển chọn, hiến dâng đời mình để phục vụ cho vinh danh Chúa, với nghĩa vụ là người Tôn Thờ Thiên Chúa.

 

Chúng ta hãy hết lòng yêu mến Chúa là Cha, như những người con ngoan hiền thảo hiếu, hằng tìm mọi cách làm vui lòng Cha. Hãy qui hướng tất cả mọi tư tưởng, lời nói, việc làm vì Chúa.

Chúng ta hãy không ngừng dâng lên niềm tri ân cảm tạ lên Thiên Chúa bằng tất cả tấm lòng trìu mến, vì biết bao hồng ân Thiên Chúa đã ban.

Lạy Thiên Chúa yêu thương, xin cho chúng con sống xứng đáng là Đền Thờ Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị, để mỗi người chúng con luôn yêu mến Chúa Ba Ngôi.và luôn tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời chúng con. Amen.

Linh Mục Paul Chu Văn Chi.