KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá. Năm C (Lm Remy Bùi Sơn Lâm)
Giờ đây Ngài công khai tiến vào thành đô nhưng không phải vào đấy để được tung hô “vạn tuế” theo kiểu nhân gian mà là hiến tế chính mình. Nơi đấy, những ngày sau cùng là lúc Ngài đương đầu với sức mạnh khốc liệt của sự ác và Thần dữ. Thần dữ thua bại sau khi cám dỗ Chúa Giê-su trong hoang địa, đã “bỏ đi, chờ đợi thời cơ” – chính là lúc này!

“Con đường Chúa đã đi qua”

Hân hoan đón mừng quý ông bà anh chị em cùng với đại gia đình Giáo Hội tiến vào Tuần Thánh; tiến đến đích điểm cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu cũng là chóp đỉnh sứ mạng của Ngài.  Nơi ấy là chính suối nguồn lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Nơi ấy chúng ta cũng tìm gặp sức mạnh và ý hướng cho đời sống Kitô hữu. 

Theo lăng kính và trình thuật của Thánh Sử Luca, tất cả hành trình rao giảng của Chúa Giê-su được diễn tiến theo hướng đi về thành thánh Giê-ru-sa-lem, với khát vọng ngày một bừng cháy: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những khát khao phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12: 49)  Giờ đây Ngài công khai tiến vào thành đô nhưng không phải vào đấy để được tung hô “vạn tuế” theo kiểu nhân gian mà là hiến tế chính mình.  Nơi đấy, những ngày sau cùng là lúc Ngài đương đầu với sức mạnh khốc liệt của sự ác và Thần dữ.  (Thần dữ thua bại sau khi cám dỗ Chúa Giê-su trong hoang địa, đã “bỏ đi, chờ đợi thời cơ” – chính là lúc này! (Lc 4: 13)  

Qua trình thuật thương khó (Lc 22:14-23:56) mà chúng ta công bố hôm nay (quen gọi CN Lễ Lá, mà đúng hơn là CN Thương Khó), Thánh sử Luca cách riêng, đã chú ý làm nổi bật tính chất nhân lành và xót thương mà Mục tử Giêsu vốn đã thể hiện suốt đời, thì lúc này thể hiện cách tròn đầy nhất.  Ngài hứng chịu mọi nhục nhã và oan khiên, bạo lực và thập giá nhưng lại đáp trả bằng tất cả ngọt ngào của yêu thương và tha thứ, thí dụ như cách Ngài khoan dung với môn đệ bội phản Phê-rô và Giu-đa; cách Ngài tha thứ và cầu nguyện cho kẻ giết hại mình; cách Ngài ưu ái ban ơn cứu độ tức thời cho “người trộm lành”.  Ngài chọn lựa “tự hạ” và “tự hóa mình ra không” để thực thi trọn vẹn Thánh Ý Chúa Cha cho đến cùng, đến chết trên thập giá vì phần rỗi muôn người (Phil 2: 6-11).  Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô vì thế mới thật là vinh thắng tối hậu của tình yêu xóa tan hận thù; thương xót vượt trên bạo hành; thiện hảo đè bẹp gian ác; và quyền năng Thiên Chúa đập tan quyền lực Thần dữ.  

“Con đường Chúa đã đi qua” ấy cũng phải là con đường ưu việt và không thể thiếu đối với bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài.  “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9: 23)  Trong tuần này, khi dành thời giờ và tâm hồn để đặc biệt chiêm ngắm, tôn vinh, hiệp thông mật thiết hơn với Đức Kitô Thương Khó và Phục Sinh, chúng ta cũng hãy nhìn ngắm chính mầu nhiệm thập giá, đau khổ và hy sinh trong cuộc sống của chúng ta.

Xin Chúa Giê-su Thương Khó và Phục Sinh giúp chúng ta nhận biết và tìm gặp Ngài trong mọi biến cố thường nhật, nhất là những sự việc hay đòi buộc có vẻ như là “ập đến bất ưng” mà lại thay đổi hoặc phá vỡ cả dự tính và sắp xếp có sẵn của chúng ta; nhất là những sự kiên hay biến cố nhiều trớ trêu, oái oăm và đau khổ chúng ta đã chẳng mong nhưng lại có thể trở nên cần thiết cho người khác được tốt lành.  Xin cho chúng ta được thanh luyện, tái tạo và củng cố từng ngày trong vòng tay đầy thương xót của Thiên Chúa, được sức sống mới với lòng quảng đại để không chỉ “vác thập giá mình” mà cũng vác thập giá người khác như đang vác đỡ chính Thánh Giá của Đức Kitô.

“Lạy Chúa, xin sử dụng con cho tình yêu Chúa; xin đặt định con cho lợi ích các linh hồn” 

Lm. Remy Bùi Sơn Lâm