KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Chúa Nhật Tuần 15 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)
Khí Cụ Rao Giảng Tin Mừng

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/zgLZOCiK8O0

 

Các bài đọc hôm nay trình bày cho chúng ta những thí dụ lạ lùng về sự biến đổi đồng thời cũng cho thấy rằng cuộc sống bình thường của chúng ta luôn ở trong quyền năng biến đổi của Chúa, ngay cả chúng ta cũng không nhận ra điều này. Các bài đọc mời gọi chúng ta chú ý đến sự nhịp nhàng của cuộc sống để nhận ra sự can thiệp của Chúa và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống.

Bài đọc Thứ Nhất cho thấy tiên tri Amos là một người chăn chiên hái sung, được Chúa sai đến Bethel để làm tiên tri cho người Do Thái. Từ một người bình thường, Amos đã trở thành phương tiện truyền bá Chân Lý của Chúa trong vai trò của một tiên tri. Tin mừng hôm nay, Chúa cũng sai 12 tông đồ ra đi làm sứ vụ. Giống như tiên tri Amos, 12 tông đồ cũng là những người bình thường, họ là những người đánh cá và thậm chí trong họ còn có một người tham gia chỉ để tìm kiếm lợi lộc cá nhân và khi gặp cơ hội liền lợi dụng ngay cơ hội đó để mưu cầu cho quyền lợi riêng tư như Giuda Iscariot, một kẻ bán Chúa với giá 30 đồng bạc. Thế nhưng tất cả đều được sai đi để thi hành sứ vụ rao giảng, không phải bằng sức riêng nhưng bằng sức mạnh và ân sủng của Chúa.

Sứ điệp của các bài đọc hôm nay dạy rằng dầu cho quá khứ có như thế nào đi nữa chúng ta cũng được gọi để làm sứ vụ và để nên thánh, một vị thánh đích thực chứ không phải là những vị thánh chỉ có dáng vẻ bên ngoài để được người đời ca tụng. Thánh thiện không phải là vấn đề của một người làm ra vẻ ta đây thánh thiện nhưng là một người với lời nói và việc làm phát xuất từ niềm tin vào Đấng Cứu Độ được biểu lộ qua việc làm. Chúng ta được mời gọi nên thánh là để cho con cái, bạn bè và những người đang làm việc với chúng ta, ngay cả những người hoàn toàn xa lạ, có thể cảm nghiệm được quyền năng và sự tốt lành của Chúa trong chúng ta, để qua đó, những ai nghe và nhìn thấy việc làm của mình thì họ cũng được tác động để trở thành một Chúa Kitô khác.

Lời mời gọi nên thánh cũng là mời gọi để trở thành không chỉ là một người đón nhận mà còn là một người ban phát. Chúa dùng chúng ta như cánh tay nối dài để làm cho sự hiện hữu của Người được hiện thực cho những người chung quanh. Ngày xưa tiên tri Amos và mười hai tông đồ đã được kêu gọi để từ bỏ công việc quen thuộc hàng ngày của họ để ra đi rao giảng sứ điệp của Chúa thì hôm nay chúng ta cũng được mời gọi để thi hành sứ vụ giống như vậy, một sứ vụ chia sẻ một cách tích cực đức tin của mình với tha nhân và giúp họ tìm thấy hoặc khám phá sự tự do của họ.

Để giúp người khác khám phá ra tự do đòi hỏi chúng ta cũng phải là một người tự do. Đây là lý do mà Chúa truyền cho các môn đệ khi đi rao giảng không được mang theo thứ gì khác ngoại trừ sứ điệp mà họ lãnh nhận với mục đích là để gia tăng tối đa sự tự do và giảm thiểu tối đa những lo lắng và ràng buộc về vật chất, đồng thời cũng để họ hiểu rằng sự thành công của sứ vụ được nảy sinh từ ơn gọi siêu việt phát xuất từ Chúa Kitô chứ không phải dựa trên những đặc ân hay quyền lực trần thế. Họ không được đòi hỏi gì ngoại trừ phải ý thức về sứ vụ đã được giao phó. Nghĩa là phải chấp nhận với môi trường và điều kiện nơi mà họ được sai đến chứ không được phép đi hết nhà này đến nhà khác để tìm kiếm nếp sống thoải mái hơn. Chúng ta cũng được mời gọi để phủi những bụi bặm đang ngăn cản chúng ta đáp trả lời mời gọi của Chúa, những bụi bặm có nguy cơ làm cho chúng ta bị ô nhiễm. Nếu chúng ta không bén rễ trong Chúa Giêsu, thì chính những thái độ, cách cư xử, sự lôi cuốn, tham vọng có thể ô nhiểm và trở nên gánh nặng cho chúng ta. Chính chúng ta phải tự thoát ra ra khỏi những nô lệ vật chất và tìm ra nơi mà của cải đích thực đang được chôn dấu. Chúng ta phải biết tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa.

Tuy nhiên nương tựa vào sự quan phòng của Chúa không bao giờ được xem như nguyên nhân để không làm gì cả. Chúng ta không được phép đứng yên và chờ Chúa làm hết mọi sự. Chúa sẽ không hiện ra để làm những việc mà chúng ta muốn Người trực tiếp làm nhưng sẽ hành động qua chúng ta.
Một ngày mùa đông nọ có một người đàn ông đi dạo trên một con đường gặp một cậu bé đói khát đang ngồi ăn xin và run lập cập vì lạnh. Nhìn thấy cậu bé, ông bất mãn với Chúa nên hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, tại sao Chúa không làm một điều gì đó cho cậu bé này?” Chúa trả lời: “Ta đã làm rồi.” Nghe vậy ông ngạc nhiên nói lại: “Con hy vọng Chúa không nói với con rằng: Chúa đã làm nhưng con không nhìn thấy.” Chúa đáp: “con nói đúng. Ta đã làm nhưng con không nhìn thấy.” Ông hỏi lại: “Thế Chúa đã làm điều gì?” Chúa đáp: “Ta đã tạo nên con, và đưa con đến đây để gặp em bé này.”

Chúng ta là khí cụ của Chúa để loan báo ơn cứu độ và tình yêu của Chúa cho tha nhân, cho nên mỗi lời nói và việc làm của chúng ta, bất kỳ tại thời điểm nào cũng đều có giá trị của việc đem Chúa đến cho tha nhân. Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta là người tội lỗi nên không làm được điều gì. Trái lại nếu biết dùng kinh nghiệm của những lỗi phạm mà chúng ta đã phạm để giúp người khác không phạm vào những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm là chúng ta đang giúp người khác nên thánh.