KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Lễ Thánh Tâm (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

 Bài Ðọc I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 3, 8-12. 14-19
"Biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người".
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô
Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Phúc Âm: Ga 19, 31-37
"Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Không một cái xương nào của Người bị đánh giập". Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: "Chúng sẽ nhìn vào Ðấng chúng đã đâm thâu qua".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm.

Trong các tôn giáo, chỉ có Công Giáo mới có hình ảnh trái tim được vẽ ra bên ngoài nơi hình ảnh Chúa Giêsu và hình ảnh Đức Maria. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu qua câu chuyện sau:

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật rất gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố. Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukhamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ lạ: người gì mà lại để trái tim ra ngoài!

Tsukhamoto là một nhà nho uyên bác, có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ đến bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya, mà ông vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “ĐỐI NGOẠI HỮU KỲ TÂM, ĐỐI NỘI VÔ TÂM GIẢ”.

Từ đó Tsukhamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn tên Osaki đến chơi thấy vậy hỏi. Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?. Ông trả lời: Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô Giáo. Ông bạn xem: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “HỮU TÂM,” còn với bản thân mình thì “VÔ TÂM.” Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài… nghĩa là phải đem hết trái tim mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì xả kỷ, đừng bao giờ lo cho riêng mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Đem hết trái tim mình ra giúp đời, giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng Thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công Giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên người bạn chí thân và đã âm thầm chịu phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục… (trích tài liệu riêng của người tín hữu – Lm Trọng Hương)

Câu chuyện này đưa chúng ta đến lễ Thánh tâm Chúa. Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc chúng ta về Tình Yêu mà Chúa Cha dành cho chúng ta trong Chúa Giêsu. Lễ Thánh Tâm mời gọi chúng ta hãy khám phá Thiên Chúa như là nguồn cội của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, cho nên bất cứ những gì Người làm là vì tình yêu. Tình yêu là trọng tâm của cách mà chúng ta liên hệ với Chúa và Chúa liên hệ với chúng ta.

Loại tình yêu này không chỉ cho dành những người công chính n hưng còn bao gồm những người tội lỗi biết ăn năn hối cải bởi vì “Thiên Chúa là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (Deut 4:9) mà Mosê đã từng công bố cho dân Do Thái và được thánh Gioan xác nhận: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Jn 4:8). Với tình yêu này, Chúa Giêsu mời gọi “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Giống như lời công bố của Mosê, lời mời gọi này cũng dành cho tất cả mọi người bao gồm những người đang mắc tội trọng, những người đang có nguy cơ bị mất đức tin, những người đang đau yếu, những người cô đơn, những người cứng lòng tin nhưng biết chạy đến với tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Lý do của lời mời gọi này là vì trong tình yêu đầy lòng thương xót, Thiên Chúa muốn bước vào sự hữu hạn của lịch sử và điều kiện sống của con người, mặc lấy xác phàm và trái tim của con người để chúng ta có cơ hội gặp gỡ và chiêm ngắm mầu nhiệm của sự vô hình trong trái tim hữu hình của Chúa Giêsu.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa, chúng ta được mời gọi để chiêm niệm cách mà tình yêu này đã được mạc khải và vẫn tiếp tục được mạc khải trong cuộc sống của mỗi người. Vì thế, trong thinh lặng của chiêm niệm, nếu chúng ta nhận ra rằng tình yêu này thực sự ảnh hưởng cuộc sống thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm chuyển giao tình yêu đó cho những người mà chúng ta gặp gỡ bởi vì bằng cách này chúng ta sẽ được nhận ra là môn đệ của Chúa.

Khi nhìn lên trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã nhận ra tình yêu Thiên Chúa và trái tim của Mẹ vang vọng tiếng yêu thương của Chúa Giêsu. Vì thế, mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta cũng không quên trái tim vô nhiễm Mẹ Maria mà chúng ta sẽ kính nhớ vào ngày mai. Chúng ta dâng lên Mẹ những người con thân yêu đang khẩn cầu ơn lành của Mẹ, đặc biệt những người đang phải chịu đựng những gian khổ của cuộc sống về tâm linh cũng như thể lý giữa cơn đại dịch này.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn chạy đến Thánh Tâm của Chúa và của Mẹ Maria. Xin đừng bao giờ để chúng con nghĩ rằng Chúa quên chúng con mà không chạy đến Chúa.