KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Ba Tuần 19 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/FQRBK-qZgM4

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 9, 6-10
"Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã rộng tay bố thí cho kẻ nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời". Đấng đã cung cấp hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em.
Đó là lời Chúa.

Phúc Âm: Ga 12, 24-26
"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Các bài đọc hôm nay nói về chu kỳ tự nhiên của việc gieo trồng: gieo giống, lớn lên và trổ sinh hoa trái, để dạy chúng ta bài học tâm linh của việc chết đi và của hạt giống tình yêu Thiên Chúa đang nẩy mầm trong chúng ta. Nước Úc đang trong tháng Tám, tháng cuối của mùa Đông, tháng mà nhiều người đang gieo giống để mùa Xuân hạt giống nẩy mầm. Tin mừng hôm nay dạy rằng: “Giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sai hoa lắm quả!” (Jn 12:24).

Tại một căn nhà nọ, có một cây cổ thụ thật lớn, mọc ở sân sau, cần phải chặt đi vì nó đang chết dần, và căn nhà có nguy cơ bị hư hại nếu những cành khô của nó rơi xuống. Chủ nhà, mặc dầu rất yêu thích cây cổ thụ, nhưng không thể làm gì hơn. Đứng nhìn cây bị chặt, lòng ông rất buồn. Sau vài ngày công việc chặt cây đã hoàn tất, những gì có thể đốt được họ đốt những gì không thể đốt được họ dời đi nơi khác. Cây cổ thụ không còn và giờ đây chủ nhà đang có một khu vườn thật lớn ở phía sau nhà.

Khu vườn cũ của ông giờ đây đã thuộc về quá khứ. Bóng mát của cây cổ thụ trước đây che phủ khu đất giờ đây lại phủ đầy ánh sáng mặt trời. Một vài ngày sau, ông trồng nhiều loại cây và rau khác nhau trong khu đất đó. Vài tuần sau, khu đất đã biến thành một vườn rau thật đẹp và ông hy vọng, trong tương lai, chúng sẽ trổ sinh nhiều hoa trái. Cây cổ thụ chết đi mở ra cơ hội cho một vườn cây mới và ông hy vọng rằng tro của nó sẽ duy trì cuộc sống mới mà ông đang gieo trồng.

Đây phải chăng cũng là niềm vui mừng và hy vọng đức tin của chúng ta? Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi chúng ta bước theo Người trên một con đường đòi hỏi chúng ta một sự hiểu biết và chấp nhận cái chết trước khi cảm nghiệm cuộc sống mới trong sự sống lại, “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, ai ghét sự sống mình nơi thế gian này, thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời” (Jn 12:25).

Trong cuộc sống, chúng ta tự hỏi xem: Trong cách thức nào Chúa đã gieo hạt giống trong chúng ta? Mảnh cuộc sống đức tin nào của chúng ta cần được bồi dưỡng? Điều gì cần phải chết đi trong chúng ta để chúng ta có thể trổ sinh nhiều hoa trái mới? Đâu là khả thể về một sự trưởng thành mới trong cuộc sống chúng ta? Điều gì chúng ta cho là đáng giá nhất để có thể chết vì nó? Thánh Phaolô nói: “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa,” điều gì đang tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa?

Lạy Chúa, xin ban sức mạnh để chúng con có thể chết vì đức tin, để nhờ đó được tái sinh và cảm nghiệm cuộc sống mới trong Chúa Kitô.