KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Ba, Tuần 28 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)
Kỷ Niệm 103 Ngày Đức Mẹ Hiện Ra tại Fatima

BÀI ĐỌC I: Gl 4, 31b - 5, 6 (Hl 5, 1-6)
"Cắt bì là vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Đức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Đức Kitô, và đã mất ân sủng rồi.

Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Đức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến. Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Lc 11, 37-41
"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Đó là lời Chúa.

______________________

Suy Niệm

Tin mừng hôm nay tường thuật một người Biệt phái đến mời Người dùng bữa tại nhà ông. Chủ nhà khó chịu khi thấy Chúa Giêsu không rửa tay theo truyền thống của họ. Dưới con mắt của họ, người nào không giữ luật này là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa cũng sẽ trở thành đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản. Đối với họ, phong tục, tập quán, luật lệ bên ngoài là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa, tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng họ vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Chúa Giêsu không hứng thú hoặc không để ý nhiều về những gì người ta có thể nói hoặc những gì mà người ta cho là “đụng chạm” khi phải nói sự thật mặc cho người đời thích hoặc không thích. Sợ đụng chạm khi phải nói sự thật không phải là tiêu chuẩn mà Kitô hữu dựa vào khi phải quyết định. Chúa thẳng thắn lên án tính luân lý hai mặt này vì nó chỉ tìm kiếm sự tiện lợi hoặc lừa dối, “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác” (Lk 11:39).

Lời Chúa đặt trước mặt chúng ta về thói quen và tập tục của cuộc sống hằng ngày. Người khuyên chúng ta đừng cố để biến chúng thành những giá trị phổ quát để che dấu tính ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ của mình, bất chấp việc hy sinh những giá trị chân chính về sự trong sạch lương tâm và tâm hồn. Chúa mời gọi chúng ta hãy xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta, đừng quá vụ hình thức mà quên đi chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành. Sự trong sạch lương tâm này chính là hồng ân mà qua đó chúng ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu. Thánh Basil nói, “Điều đáng sợ nhất của những người khôn ngoan việc phải sống dựa vào ý của người khác.”

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho chúng con biết giá trị của sự trong sạch đích thực chính là trong tâm hồn chúng con. Xin soi sáng và thanh tẩy lòng chúng con, để chúng con biết sống bằng một tình yêu mến đối với Chúa, với anh em, chứ không tuân giữ luật một cách máy móc và hình thức.