KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Hai, Tuần 1, Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

BÀI ĐỌC I: Dt 1, 1-6
"Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con".
Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.
Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Đấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!" Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người trong Tin Mừng Marcô khác với câu chuyện bắt đầu của trong Tin Mừng thánh Luca (Lk 2:41-52). Trong khi Tin mừng Luca tường thuật lúc 12 tuổi Chúa ở lại trong đền thờ, tâm điểm của Do Thái Giáo, được bao quanh bởi các tư tế và luật sĩ nhưng không nhắc gì đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Sau lời khiển trách của Mẹ Maria, Chúa Giêsu trở về cha mẹ ở đó Chúa hằng vâng lời cha mẹ, sống cuộc sống thinh lặng, càng lớn tuổi càng thêm khôn ngoan và ân sủng trước mặt Chúa và người ta. Thì theo Tin mừng thánh Marcô, Chúa Giêsu không ở trong Đền thờ, nhưng ở ngoài sa mạc và cử hành một nghi thức không chính thức nhưng được chúc phúc bởi sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu bắt đầu công việc của Người với sứ điệp không khác gì nhiều so với với sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mk 1:15). Sự khác nhau là Chúa Giêsu sau khi rời sông Giodan, Chúa không rửa tội, nhưng thu nhận những người sẽ tiếp tục sứ vụ của Người trong tương lai.

Hôm nay, ngày đầu tiên của mùa Thường Niên sau Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh. Cùng với Chúa Giêsu chúng ta bước vào thế giới bình thường của mọi ngày. Trong những ngày thường niên này, Chúa mời gọi một số người cùng đồng hành gần gũi với Người, và trở nên môn đệ của Người. Ngày nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên những người đồng hành với Người để học và trở thành môn đệ của Người.

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mk 1:15). Sám hối điều gì và tại sao? Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng nhưng là con đường tất yếu dẫn đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc. Để sám hối nghĩa là để nhận lấy món quà của đức tin và sống một cuộc sống của tình yêu và phục vụ; để nhận Chúa Kitô như là Chúa và là Vua trong tâm hồn để chúng ta trở nên tôi tớ hữu ích của Chúa; để có thể khám phá Chúa trong mọi biến cố xảy ra trong cuộc sống; để sống với hy vọng bởi vì Chúa đã đánh bại tội lỗi, ma quỷ và sự chết, và Bí tích Thánh Thể là bảo đảm của Người.

Chúa Giêsu nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng chính là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu Kitô. Như vậy sám hối cũng bao gồm việc yêu mến Chúa trên tất cả mọi sự, với hết tâm hồn và hết trí khôn như thánh Phêrô, Andrew, Giacôbê và Gioan đã làm khi các ngài “lập tức bỏ lưới, và đi theo Người” (Mk 1:18) để trở thành “ngư phủ chài lưới người” (Mk 1:17). Giống như các môn đệ, chúng ta theo Chúa Giêsu để được uốn nắn để trở thành những “ngư phủ chài lưới người.” Tuy nhiên trở thành “ngư phủ chài lưới người” không có nghĩa chúng ta không còn là con người mà chúng ta đã là nhưng là một con người được đổi mới bởi tình yêu. Chúng ta cũng vẫn là cha, là mẹ, là những con người cũ nhưng trong con người cũ đó có Đấng Tình yêu đang ở bên trong.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn các tông đồ cộng tác với Chúa trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Xin cho chúng con có tâm hồn quảng đại, mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa. Xin cho chúng con biết rằng cách sống gương mẫu của chúng con là một lời loan báo sống động cho Tin Mừng cứu độ.