KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Năm Tuần 10 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/gpvtmRhbk34

 

BÀI ĐỌC I: 2 Cr 3, 15 - 4, 1. 3-6
"Thiên Chúa chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa.
Bởi thế, đảm nhiệm việc phục vụ do lòng thương xót chúng tôi đã được hưởng, chúng tôi không ngã lòng. Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy sáng chói Phúc Âm của vinh quang Đức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng tôi không rao giảng bản thân chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi: chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em vì Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa, Đấng đã phán: "Sự sáng hãy từ bóng tối toả ra", chính Người chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người trên tôn nhan của Đức Giêsu Kitô.
Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 5, 20-26
"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"
Đó là lời Chúa.

Suy Niệm

Lời của Chúa “Ta không đến để huỷ bỏ lề luật nhưng để kiện toàn lề luật” được giải thích rõ ràng bởi 6 thí dụ mà Chúa trích dẫn từ Cựu ước trong tin mừng hôm nay. Chúa dạy rằng nếu chúng ta muốn trở thành môn đệ của Người và làm những việc Người làm chúng ta phải có một sự hiểu biết sâu xa hơn về những gì Người nói, “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5:20). Là một điều rõ ràng từ những gì chúng ta thấy về luật sĩ và biệt phái trong các Tin Mừng rằng đối với họ đạo đức tôn giáo bao gồm việc tuân giữ nghiêm nhặt những chi tiếc lề luật bên ngoài - Càng tuân giữ từng chữ của lề luật, càng gần Thiên Chúa hơn. Chúa Giêsu thách thức họ về điều này. Chúa mời gọi họ hãy nên công chính trong một cách thức rộng lớn hơn.

Khi nói về lề luật Do Thái, thí dụ đầu tiên Chúa Giêsu đưa ra về giới răn “chớ giết người” (Ex 20:13). Chúa mở rộng điều này rằng ngay cả phẩn nộ và dùng những ngôn ngữ xúc phạm cũng là giết người. “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục” (Mt 5:22). Chúa Giêsu loại bỏ mọi thái độ bạo động hướng về người khác, trong lời nói, hành động hoặc ngay cả trong tư tưởng.

Thêm vào đó Chúa cũng liên kết thái độ cá nhân giữa chúng ta với Thiên Chúa, “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ” (Mt 5:23-24). Chúng ta không thể tách rời mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và với người khác. Trước khi dâng của lễ chúng ta phải làm hoà với những người đang có điều bất bình với chúng ta và chỉ sau khi vết thương được chữa lành, chúng ta mới có thể dâng lễ vật. Thánh Phaolô tóm tắt như sau, “Vì các điều (như): Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ tham muốn, và nếu các lịnh truyền nào khác, thì đều tóm lại nơi một lời này: Ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình. Yêu mến hẳn không làm hại người đồng loại. Vậy yêu mến là chu toàn cả Lề luật” (Rom 13:9-10).

Tất cả những điều này dạy rằng bất cứ khi nào cử hành Bí tích Thánh Thể chúng ta phải nhớ đến và thực hành những lời này của Chúa. Trước khi dâng lễ chúng ta được mời gọi để thú tội của chúng ta với Thiên Chúa và với cộng đoàn đang tham dự thánh lễ bằng lời kinh, “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng và cùng anh chị em…”. Thế nhưng trong cuộc sống bao nhiêu lần chúng ta thực sự nghĩ về những gì chúng ta nói trong lúc đó? Trước khi rước Mình Thánh Chúa, chúng ta cầu nguyện qua kinh Lạy Cha, “Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con…” Và ngay trước khi rước lễ, chúng ta cũng được mời gọi để chúc bình an với những người chung quanh. Làm sao chúng ta có thể có thể chia sẻ Mình Máu Thánh Chúa với người khác nếu chúng ta ở trong tình trạng thù hằn với anh chị em cũng là chi thể của cùng một Thân Thể?

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con được đổi mới trong quà tặng của bác ái hướng về anh chị em chúng con, để cuộc sống chúng con trở nên tốt đẹp và xác thật với tất cả những gì chúng con dâng tiến Chúa.