KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Năm Tuần 18 Thường Niên, Lễ Chúa Hiên Dung (FX Nguyễn Văn Tuyết)

 BÀI ĐỌC I: Đn 7, 9-10. 13-14
"Áo Người trắng như tuyết".

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Tôi ngắm nhìn cho đến khi đặt ngai toà xong, và một vị Bô Lão ngự trên ngai: áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người như những ngọn lửa, các bánh xe như lửa cháy. Một con sông lửa chảy lan tràn trước mặt Người. Hằng ngàn kẻ phụng sự Người, và muôn vàn kẻ chầu chực Người. Người ngự toà xét xử, và các quyển sách đều mở ra.
Trong một thị kiến ban đêm, tôi đã ngắm nhìn, và đây tôi thấy như Con Người đến trong đám mây trên trời. Ngài tiến đến vị Bô Lão, và người ta dẫn Ngài đến trước mặt vị Bô Lão. Vị này ban cho Ngài quyền năng, vinh dự và vương quốc: Tất cả các dân tộc, chi họ, và tiếng nói đều phụng sự Ngài: quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất: vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ.
Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC II: 2 Pr 1, 16-19
"Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống".

Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, chúng tôi không theo những truyện bày đặt khôn khéo, để tỏ ra cho anh em biết quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; nhưng chúng tôi đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người. Người đã được Chúa Cha ban cho vinh dự và vinh quang, khi có lời từ sự vinh quang cao cả xuống phán về Người rằng: "Này là Con Ta yêu dấu, Người đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Chúng tôi đã nghe tiếng ấy từ trời phán xuống, lúc chúng tôi ở với Người trên núi thánh. Và chúng tôi có lời nói chắc chắn hơn nữa là lời nói tiên tri: anh em nên nghe theo lời đó, nó như ngọn đèn sáng soi trong nơi u tối, cho đến khi rạng đông và sao mai mọc lên trong lòng anh em.
Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 17, 1-9
"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và đây ông Môsê và Êlia hiện ra và đàm đạo với Người.

Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Lúc ông còn đang nói, thì có một đám mây sáng bao phủ các Ngài, và có tiếng từ trong đám mây phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người". Nghe thấy vậy, các môn đệ ngã sấp xuống và hết sức sợ hãi. Bấy giờ Chúa Giêsu đến gần, động đến các ông và bảo: "Các con hãy đứng dậy, đừng sợ". Ngước mắt lên, các ông thấy chẳng còn ai, trừ ra một mình Chúa Giêsu.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông rằng: "Các con không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại".

Đó là lời Chúa.

_____________________________

Suy Niệm.

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Hiển Dung. Biến Chúa Giêsu Hiển Dung được phụng vụ nhắc tới trong ngày Chúa Nhật II mùa Chay để hướng chúng ta về mầu nhiệm Phục sinh. Hôm nay phụng vụ nhắc lại biến cố này có lẽ vì ngày 6 tháng 8 kỷ niệm cung hiến Ðền thờ Chúa Hiển Dung trên núi Tabor.

Tin mừng hôm nay tường thuật về biến cố hiển dung này. Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải về cái chết và sự phục sinh của Người. Vì thế biến cố Chúa Hiển Dung phải được hiểu trong bối cảnh này. Sứ điệp Hiển Dung cũng đem đến chúng ta lời của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17:5). Để lắng nghe có nghĩa là vâng theo ý Chúa, chiêm niệm về Thiên Chúa, sống mật thiết với Chúa, thực hiện lời dạy bảo của Người - vác Thánh Giá của chính mình và theo Chúa.

Để tránh bất cứ một sự hiểu lầm có thể có, Chúa ra lệnh cho các tông đồ “không được nói với ai về việc đã thấy, cho tới khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mt 17:9). Ba Tông đồ nhìn thấy Chúa hiển dung, dấu hiệu thần tính của Chúa, nhưng Chúa không muốn họ rao truyền việc này cho đến khi Người sống lại, nghĩa là cho đến khi dân chúng có một ý niệm khả thể để hiểu ý nghĩa của biến cố.

Điều này được các tông đồ thực hiện như bài đọc Hai tường thuật. Trong bài đọc Hai, thánh Phêrô xác quyết rằng biến cố hiển dung không phải là một “những truyện bày đặt khôn khéo” (2 Pr 1:16). Phêrô cùng với Giacôbê và Gioan, là những chứng nhân về những gì đã xảy ra trên núi Tabor. Họ nhìn thấy tất cả và nghe cũng tiếng Chúa Cha. Vì thế họ đã cống hiến cuộc đời để công bố “quyền năng và sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô,” mà các ngài “đã được chứng kiến nhãn tiền sự uy nghi của Người” (2 Pr 1: 16).

Nếu ba môn đệ không lên núi Tabor họ sẽ không thể nào biết một Giêsu khác, một Giêsu đích thực không thể được nhìn thấy bằng con mắt bình thường. Họ sẽ không thể nhìn lại cuộc sống để có thể biến đổi tâm hồn để được đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh của họ. Và nếu ba môn đệ không xuống núi Tabor và cùng đi với Chúa đến Calvary, họ sẽ không bao giờ chứng kiến được chiều sâu của tình yêu cũng như có thể trở thành chứng nhân của Chúa đến tận cùng trái đất.

Ngày nay chúng ta cũng được Chúa đem lên Núi thánh để tham dự vào mầu nhiệm biến hình của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Nếu chúng ta không đổi mới chính mình bằng cách đổi mới cái nhìn về anh chị em chung quanh. Và nếu chúng ta không tín thác đủ để đứng lên và ra đi. Chúng ta sẽ không thể vượt qua khỏi tâm hồn Ai cập và sa mạc của sự chết để vào miền đất sống mà Chúa hứa cho riêng mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ lại lời của thánh Phêrô, “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm” (Mt 17:4), mỗi lần, sau khi chúng con rước Chúa. Xin tuôn đổ sức mạnh của Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con can đảm dùng quà tặng Chúa ban để công bố Nước Trời cho những người chưa nhận biết Chúa.