KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Năm Tuần 29 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

 BÀI ĐỌC I: Ep 3, 14-21
"Anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa".

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi quỳ gối trước mặt Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Người chiếu theo sự giàu có vinh quang của Người và nhờ Thánh Thần của Người, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Đức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Đức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Nguyện cho Đấng toàn năng ban cho chúng ta mọi sự, dư đầy quá sự chúng ta cầu xin hay hoài bão, theo như quyền lực Người thi thố trong chúng ta: nguyện cho Người được vinh quang trong Hội Thánh và trong Đức Giêsu Kitô, qua mọi thế hệ muôn đời. Amen.
Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Đó là lời Chúa.

_____________

Suy Niệm.

Khi đọc những lời trong Tin mừng hôm nay, chúng ta thường kinh ngạc và sửng sốt bởi vì những lời này không giống như những lời chúng ta thường nghe và chúng ta thắc mắc những lời này có ý nghĩa gì trong cuộc sống. Chúng ta thường quen thuộc với những điều Chúa dạy - hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Và chúng ta nghĩ chúng ta có thể làm được điều đó. Chúng ta phải làm điều đó. Chúng ta làm điều đó mỗi ngày nhưng đức tin lại đòi hỏi chúng ta nhiều hơn nữa.

Chúa Giêsu nhập thể làm người và trong thân phận con người, chắc chắn Chúa cũng đã cảm nghiệm sự đau khổ và chia rẽ. Sự chia rẽ phát xuất ngay trong hàng ngũ các tông đồ: aai là người cao trọng nhất? Ai là người được ngồi bên hữu và bên tả Chúa?.. Các tông đồ đã không đáp ứng được yêu cầu của Người, đã phản bội Người và quên đi tất cả những gì Chúa đã dạy cho họ. Đã bỏ trốn trong khi Chúa bị xử án và đóng đinh. Chúng ta tự hỏi điều gì chúng ta học từ những kinh nghiệm này?

Bình an trên thế giới là một điều rất khó để đạt lấy. Sống trong một thế giới như vậy, việc thực hiện công việc của Chúa và để xác tín đức tin đòi hỏi chúng ta phải đối diện với nghịch cảnh, đau khổ và chia rẽ. Sứ điệp này khiến chúng ta bối rối. Bởi vì để làm những gì là đúng có nghĩa đôi khi chúng ta phải có thái độ nghịch lại với những người chúng ta yêu mến. Chúa Giêsu không né tránh sự thật. Chữa lành sự chia rẽ không phải là việc dễ dàng nhưng không phải là không thể đạt được. Nhưng cách nào?

Để có thể đứng vững trước các nghịch cảnh điều quan trọng chúng ta phải tìm thấy Chúa trong mọi sự và luôn nhớ rằng giữ vững lập trường với những gì chúng ta tin không có nghĩa là làm xấu hổ người khác. Ngay cả giữa sự chia rẽ, chúng ta phải làm việc để tạo sự thông cảm bằng ngọn lửa bác ái, lửa của lòng thương xót. Ngọn lửa mà Chúa nói, “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” (Lk 12:49). Chúa muốn nhìn thấy ngọn lửa này luôn cháy sáng để biến đổi chúng ta để qua đó chính chúng ta cũng biến thành lửa để sưởi ấm, soi sáng và thanh luyện những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Chúa muốn chúng ta là cửa sổ mà qua đó ngọn lửa ấm của lòng thương xót của Chúa chiếu toả trên toàn thế giới. Chỉ ngọn lửa yêu mến này mới có thể soi sáng để con người nhận biết sứ điệp yêu thương của Chúa. Chúa không tạo chia rẽ, sự chia rẽ xảy ra vì con người không muốn chấp nhận sứ điệp tình yêu của Chúa, và Chúa muốn chúng ta chữa lành qua sứ vụ truyền giáo của mình, “lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất” (Lk 12:50), đây là hoài bảo Chúa để lại.

Lạy Chúa, Xin cho nền tảng tình yêu này củng cố chúng con vượt qua được sự chia rẽ để chúng con có thể sống chiều rộng, dài, cao, sâu để chúng con được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa