KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Năm Tuần 8 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địc chỉ sau:

https://youtu.be/Hp5gE9rFy9Q

 

BÀI ĐỌC I: Hc 42, 15-26 (Hl 15-25)
"Các công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người".

Trích sách Huấn Ca.
Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người.
Nào Chúa đã không ban cho các thánh được cao rao các việc kỳ diệu của Người, những việc mà Chúa toàn năng đã củng cố trong vinh quang của Người sao?
Người dò xét vực thẳm và lòng con người, thấu biết những mưu chước của họ, vì Chúa thấu suốt mọi sự và theo dõi những dấu thời đại, tuyên bố những gì thuộc về dĩ vãng và hậu lai, tỏ bày những dấu vết các việc ẩn kín. Không một tư tưởng nào mà Người không biết, không một lời nào có thể giấu được Người.
Người sắp đặt những kỳ công sự khôn ngoan của Người. Người có trước muôn đời và tồn tại muôn thuở, không thêm không bớt, không cần đến vị cố vấn nào. Mọi công trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?
Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Tin mừng hôm nay đưa ra hình ảnh của ba nhân vật: Người mù, đám đông và Chúa Giêsu. Thế nhưng đâu là những bài học chúng ta có thể rút ra từ ba nhân vật này.

Thứ nhất, người mù ăn xin. Đang lúc Chúa Giêsu cùng với các môn đệ và đám đông ra khỏi thành Giêricô, có một người mù tên là Bartimê ngồi bên lề đường. Khi nghe biết có Chúa Giêsu đi ngang qua ông lập tức kêu to, “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi.” Lời cầu xin này cho thấy ông thực sự ý thức và chấp nhận sự lệ thuộc của ông vào sự giúp đỡ và hướng dẫn của Chúa Giêsu. Khi thốt lên lời cầu xin này, ông mở rộng tâm hồn để Chúa Giêsu ban cho ông bất cứ điều Chúa muốn. Ông biểu lộ sự thành thật về nhu cầu cần được giúp đỡ của ông. Ông hoàn toàn phó thác và ông đã làm điều này bằng hai tâm tình khác nhau. Ông tin tưởng rằng Chúa Giêsu có quyền năng để chữa lành cho ông, và cũng tin rằng Chúa Giêsu có lòng thương xót để làm việc đó.

Chúa hỏi ông, “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Nếu như hôm nay Chúa cũng hỏi chúng ta câu này, đâu là câu trả lời của chúng ta? Câu trả lời của chúng ta nói sẽ nói lên sự thật về con người của chúng ta và những ưu tiên của chúng ta trong cuộc sống. Người mù trả lời, “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.” Đây không chỉ là sự nhìn thấy thể lý nhưng còn tâm linh, khả năng để nhìn thấy ý nghĩa, hướng đi và giá trị cao cả của cuộc sống.

Giống như người mù, chúng ta cũng trả lời, “Lạy Chúa xin cho con được nhìn thấy.” Khi chúng ta thực sự được nhìn thấy với con mắt nội tâm, điều này sẽ thay đổi thái độ sống và toàn thể cách nhìn của chúng ta về thế giới và về người khác. Đây có lẽ là lời cầu xin quan trọng nhất của chúng ta. Chúng ta cầu xin cho được nhìn thấy, để có một viễn ảnh sâu xa hơn về việc đâu là ý nghĩa quan trọng nhất về ơn gọi cuộc sống chúng ta.

Nhân vật thứ hai, đám đông. Thái độ của đám đông phản ảnh chính thái độ của chúng ta, một thái độ cho rằng chỉ có mối liên hệ giữa tôi với Chúa Giêsu là quan trọng nhất, những người khác không có chỗ đứng trong mối liên hệ này. Thái độ này nói cho người mù rằng: Hãy câm miệng, ông đang quấy rầy việc theo Chúa của chúng tôi. Thái độ này của đám đông không phải vì họ có tâm hồn xấu xa, họ chỉ muốn chiếm hữu Chúa cho riêng họ. Và ngay sau khi nhận ra Chúa Giêsu yêu mến người mù lập tức họ đã thay đổi thái độ và thúc dục ông ta hãy đến với Chúa, “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh.” Với thái độ thay đổi này của họ, Chúa Giêsu cũng đã chữa lành sự mù loà trong tâm hồn của họ.

Trong cuộc sống thử tự hỏi xem, bao nhiêu lần người ta đã bỏ cuộc để đến với Chúa Giêsu vì những cản trở mà họ gặp phải! Bao nhiêu lần, một cách vô tình, chúng ta là nguồn của những cản trở đối với những người đang tìm kiếm Chúa Giêsu?

Nhân vật thứ ba, Chúa Giêsu. Mặc dầu bị đám đông trách mắng và bảo người mù hãy im lặng, nhưng người mù vẫn cương quyết. Đám đông càng trách mắng, ông càng la to. Chúa dừng lại và truyền những người chung quanh hãy gọi anh ta đến. Chúa không gọi người mù một cách trực tiếp nhưng bảo người khác gọi anh ta đến. Qua người khác mà chúng ta cũng được mời gọi để đến với Chúa. Chúng ta có thể nhớ lại những người mà một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đã đem Chúa vào cuộc sống chúng ta. Trong cuộc sống cách này hay cách khác Chúa vẫn tiếp tục bảo chúng ta hãy mời gọi người khác đến với Người, thế nhưng bao nhiêu lần chúng ta nói với người khác rằng, “Hãy vững tâm đứng dậy, Chúa gọi anh?”

Lạy Chúa! Xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con được nhìn thấy những yếu đuối và lỗi lầm của chúng con. Xin cho chúng con được nhìn thấy những cách sống không thích hợp với Tin mừng trong cuộc sống của chúng con.