KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Năm Tuần 9 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giong đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/PMmkmzbRl_U

 

BÀI ĐỌC I:2 Tm 2, 8-15
"Lời của Thiên Chúa không bị xiềng xích đâu, Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta sẽ cùng sống lại với Người".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timôthêu.

Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích. Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.

Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống lại với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.

Con hãy ghi nhớ những điều đó khi làm chứng trước mặt Chúa. Con chớ tranh luận: vì cái đó không ích lợi gì cả, chỉ làm hại người nghe mà thôi. Con hãy cố gắng đến trước mặt Chúa như một người đã chịu thử thách, như một công nhân không bị khiển trách, như người ngay thẳng rao giảng lời chân lý.

Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 12, 28b-34
"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất và ngươi hãy kính mến Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: 'Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi'. Còn đây là giới răn thứ hai: 'Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi'. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.


Tin mừng hôm nay tường thuật các luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" (Mk 12:28). Câu hỏi có vẻ gian dối bởi vì họ muốn sắp xếp thứ tự cấp bậc giữa các giới răn khác nhau; nhắm vào trọng tâm của lề luật. Và câu hỏi này lại được đưa ra bởi các tiến sĩ luật. Câu trả lời của Chúa tóm lượt hai điểm: “Hỡi Israel, hãy nghe đây! Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mk 12:30). Và “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mk 12:31).
Thái độ tôn giáo được xác định trong mối liên hệ cá nhân giữa chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Thánh Augustinô nói “Hãy yêu mến Thiên Chúa, rồi bạn hãy làm bất cứ điều gì bạn thích.” Nếu chúng ta yêu Chúa và tha nhân, thì tất cả những gì còn lại chỉ là kết quả sung mãn của tình yêu này. Thầy thông luật hiểu rất rõ về điều này. Vì thế ông nói thêm rằng yêu Chúa với hết tâm hồn và yêu tha nhân như chính mình “Thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (Mk 12:33). Chúa trả lời cho ông, “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu” (Mk 12:34). Nghĩa là bất cứ ai yêu tha nhân trên mọi việc khác thì không còn xa Thiên Chúa.

“Hỡi Israel, hãy nghe đây” (Dt 6:4-5). Chúa trích dẫn lời này từ sách Thứ Luật. Lời này được ghi khắc trong tâm hồn của người dân Israel và được đọc mỗi buổi sáng sau khi thức dậy. Sứ điệp chính của lời này là mời gọi con người hãy đáp trả ơn gọi của mỗi người với “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức.” Lời mời gọi này không chỉ dành cho dân Israel nhưng còn là ơn gọi của một Kitô hữu đã được Rửa Tội.

Jacques Fesh bị bắt vì đã giết chết một cảnh sát. Anh ở tù 3 năm trước khi bị đem ra tử hình vào ngày 1 tháng 10 năm 1957, lúc 27 tuổi. Trong tù, anh khám phá ra Chúa Giêsu và đã đắm mình vào cuộc hành trình tâm linh của anh. Chỉ vài ngày trước khi tử hình, anh viết: “Phúc cho những ai được Chúa thưởng công vì tử đạo! Giọt máu đổ ra luôn có giá trị lớn lao trong mắt Chúa, và đặc biệt với giọt máu được dâng hiến một cách tự do. Chính tôi không có tự do nhưng nếu hôm nay tôi được trả tự do và đổi lại tôi phải xúc phạm Thiên Chúa, tôi sẽ từ chối, và chọn cái chết. Tôi hợp tác với việc tử hình này bằng cách chấp nhận nó với hết linh hồn tôi và dâng hiến điều này cho Chúa, để cái chết của tôi được một chút xứng đáng.” (Jacques Fesch, Dans cing heures Je verrai Jesus. Journal de Prison (In Five hours I will see Jesus. Prison Journal), Paris: Le Sarment-Fayard, 1989, p.296).

Tự do của chúng ta không trao chúng ta quyền để thay đổi mọi việc nhưng trao chúng ta quyền để trao mọi việc có một ý nghĩa. Chúng ta có thể không luôn luôn là chủ của những gì mà cuộc sống chúng ta biểu lộ nhưng có thể là chủ để trao cho chúng một ý nghĩa. Tự do của chúng ta có thể biến đổi bất cứ biến cố nào trong cuộc sống để chúng trở thành một biểu lộ của tình yêu, từ bỏ, phó thác, hy vọng, và dâng hiến. Những việc làm quan trọng và sinh hoa kết quả nhất của tự do không phải là những biến đổi bên ngoài nhưng là biến đổi tâm hồn trong ánh sáng của đức tin rằng Chúa có thể đem lại điều tốt lành trong mọi sự.

Mỗi người chúng ta có một ơn gọi khác nhau. Chúa đang chờ đợi chúng ta đáp trả một cách tự do về lời mời gọi của Người với sự xác tín “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức” của chúng ta (Mk 12:30). Tuy nhiên sự đáp trả không nằm trong khía cạnh mà người khác kỳ vọng nhưng trong khía cạnh về những gì chúng ta ao ước để đáp trả một cách toàn tâm toàn ý của chính ơn gọi đó, có như vậy “Lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh” (Mk 12:33) mới có ý nghĩa trọn vẹn.

Lạy Chúa, Xin cho chúng con được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu Lời Chúa và được biết rằng: chính Chúa là hạnh phúc và lý tưởng của cuộc đời chúng con. Để chúng con có thể đáp trả ơn gọi của Chúa với hết lòng trí chúng con.