KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Sáu Tuần 9 Thường Niên (FX Nguyễn Văn Tuyết)

 Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau

https://youtu.be/GTlXsAmjTqA

 

BÀI ĐỌC I:2 Tm 3, 10-17
"Kẻ sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô, đều chịu bắt bớ".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timôthêô.

Con thân mến, con đã noi theo cha về giáo lý, đức hạnh, dự định, lòng tin, khoan dung, yêu thương, kiên nhẫn, bắt bớ, đau khổ, như đã xảy đến cho cha ở Antiokia, Icôni và Lystra. Biết bao cuộc bắt bớ cha đã phải chịu, và Chúa đã cứu cha thoát khỏi tất cả. Vả lại, mọi kẻ muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô đều chịu bắt bớ. Còn những kẻ tội lỗi và gian trá, thì sẽ đi sâu vào tình trạng tệ hại hơn, vì họ lầm lạc và làm cho kẻ khác lầm lạc. Phần con, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.

Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mc 12, 35-37
"Sao họ có thể bảo Đức Kitô là Con vua Đavít?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Đấng Cứu Thế là con vua Đavít? Vì chính Đavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: 'Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con'. Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Trong những tường thuật trước đây, người Pharisêu, Hêrôđê, rồi Sađốc và cuối cùng là các nhà tiến sĩ luật đã chất vấn Chúa Giêsu. Giờ đây đến phiên Chúa trở thành người chất vấn, người đưa ra câu hỏi. Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Người: “Con vua Ðavít.” Theo truyền thống Do thái xa xưa cho rằng Ðấng Thiên Sai phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (2 V 7:14-17), một nhà lãnh đạo trần thế, một vị vua thuộc hoàng tộc, một nhà lãnh đạo quân sự. Người Do Thái không thể hiểu rằng Con Vua Đavít cũng có thể là Thiên Chúa. Vì thế Chúa muốn nói với họ rằng Đấng Thiên Sai cũng là Thiên Chúa. Người trưng dẫn Thánh Vịnh 110, theo đó Đấng Thiên Sai vừa là “Con vua Ðavít,” vừa là Đấng được Ðavít gọi bằng "Chúa tôi."

Trong Tin mừng, tước hiệu “Con vua Đavít” luôn gắn liền vào Chúa Giêsu. Tin mừng thánh Luca tường thuật Đức Maria đã hứa hôn “với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavít” (Lk 1:27). Trong ngày Truyền tin, Đức Maria đã nhận lãnh sứ điệp, “Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Ðấng Tối cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Ðavít cha Ngài;…và Ngài sẽ làm vua trên nhà Giacob cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!" (Lk 1:32-33). Người mù ăn xin cầu xin Chúa Giêsu chữa lành nói rằng, “Giêsu con Vua Đavít, xin thương xót tôi” (Mk 10:48). Khi Chúa tiến vào Giêrusalem dân chúng tung hô: “Chúc muôn lành cho Nước sẽ đến của Ðavít, cha chúng ta! Hôsanna trên chốn cao vời!” (Mk 11:10).

Cụm từ “Nhà Đavít” được dùng trong Cựu ước nhắc đến các hậu duệ thuộc dòng tộc Đavít (1 Sam. 20:16; 1 King 12:19, 13:2; 2 Chron. 23:3), một gia đình nổi tiếng nhất trong lịch sử Israel. Dòng tộc vua Đavít cai trị toàn thể vương quốc Giuđa trong nhiều thế kỷ. Chúa hứa với Đavít rằng gia đình ông sẽ có một triều đại vĩnh viễn và rằng vương quốc của ông sẽ tồn tại đến muôn đời.

Triều đại Đavít chấm dứt vào năm 586 trước Chúa Giáng Sinh khi Babylon xâm lăng Giêrusalem, phá huỷ đền thờ, và bắt dân Do Thái làm nô lệ. Tại thời điểm đó, số đông con cái thuộc hoàng tộc Đavít đã bị giết chết, và không có một hậu duệ nào của Đavít lên ngôi vua trong suốt 6 thế kỷ sau đó bởi vì các quốc gia ngoại quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng đất nước và cai trị dân Do Thái. Giuse mặc dầu được xem “thuộc nhà Đavít,” nhưng không được xem như là một hoàng tử. Thay vào đó, ngài làm việc như là một người thợ mộc khiêm nhượng, sống thinh lặng trong một ngôi làng xa xôi cách biệt Nazareth. Tại thời điểm đó, triều đại Đavít dường như không còn hoạt động, và người dân đang chờ đợi “Đấng Thiên Sai,” “Con Vua Đavít,” tái lập vương quốc như các tiên tri đã báo trước.

Là Kitô hữu chúng ta tin rằng “Đấng Thiên Sai, Con Vua Đavít” chính là Chúa Giêsu Kitô. Người là Thiên Chúa thật và là người thật như thánh Gioan nói: "Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa" (Jn 1:1). Và Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: “Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.” Vương quốc của Người đã khởi đầu – như hạt giống nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh hoa trái – và sẽ trở nên một thực thể rõ ràng và tráng lệ khi Chúa Giêsu trở lại vào ngày tận thế. Ðây là lòng tin kiên vững của Kitô giáo, là niềm xác tín mà chúng ta mang trong lòng, phải được biểu lộ trong cuộc sống và sẵn sàng bảo vệ đến cùng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa tình Chúa yêu chúng con. Trong những lúc con gặp khốn khó, thử thách, xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa để không sợ hãi, thất vọng vì Chúa vẫn đồng hành, cảm thông và chia sẻ với chúng con. Tin tưởng bước đi bên Chúa, chắc chắn chúng con sẽ bình an.