KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy Niệm Thứ Tư Tuần 19 Thường Niên (fX Nguyễn Văn Tuyết)

Nghe giọng đọc xin bấm vào địa chỉ sau:

https://youtu.be/gQmLh7CpNV8

 

BÀI ĐỌC I: Đnl 34, 1-12
"Môsê qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng lên nữa".
Trích sách Đệ Nhị Luật.
Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Đan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: "Đây là Đất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: 'Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi'. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó".
Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.
Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.
Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. "Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Là cha mẹ ai cũng biết con cái khi còn bé chúng biết rất rõ phải làm gì khi bị anh chị hoặc ngay cả đứa em út chọc phá chúng. Và hầu như rất vui vẻ dùng cơ hội đó để tự cho mình là “nạn nhân đáng thương” đối với cha mẹ, vì nghĩ rằng một “hình phạt” nào đó đang chờ sẵn dành cho người mà chúng cho là “phạm nhân.” Sự việc được diễn tiến theo những bước như sau: trước tiên kể lại cho cha mẹ biết điều gì mà anh chị đã làm đối với nó, và thích thú chờ đợi để “chứng kiến hình phạt” mà “phạm nhân” sẽ lãnh nhận từ cha mẹ của chúng.

Tuy nhiên, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta một hướng đi khác. Người mời gọi chúng ta hãy chăm sóc đối với những người làm cho chúng ta đau khổ. Chúng ta không nên dùng lỗi phạm này như là cơ hội để tự cho mình là một nạn nhân đáng thương, cũng không nên dùng cơ hội này để làm mất danh dự người khác. Điều đầu tiên mà Người dạy phải làm là “hãy đi sửa lỗi nó, riêng con và nó thôi” (Mt 18:15). Nghĩa là hãy có một lối cư xử khôn ngoan và bình tĩnh đối với những người có lỗi với chúng ta bằng cách đến với cá nhân đó qua đối thoại, bàn thảo trong riêng tư, cố gắng giải quyết những khác nhau giữa chúng ta với cá nhân đó. Nếu cá nhân đó không nhận lỗi, hãy tìm một người khác để làm trung gian, ngay cả trình lên cộng đoàn. Những phương cách này được đưa ra không phải để giúp chúng ta lấy lại sự công bằng nhưng là cách chăm sóc dành cho người khác. Nếu không có kết quả, chúng ta được mời gọi hãy tránh xa người đó và xem họ như người “ngoại giáo và thu thuế.”

Nguyên tắc mà Chúa muốn đưa ra đó là việc sửa lỗi cho nhau phải được thúc đẩy bởi đức ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra ý Chúa. Chấp nhận vai trò chúng ta như là nạn nhân và dùng nó như là cách thức đặc biệt để chăm sóc cho người làm chúng ta đau khổ.

Là con người chúng ta được gắn liền với cả việc bị đau khổ và làm cho người khác đau khổ. Thử tự hỏi xem phải chăng đây là hướng dẫn tốt lành trong cuộc sống nếu chính chúng ta có thể là người d0ang làm cho người khác đau khổ?

Mục đích cuộc sống trên hết không phải là hình phạt nhưng là hoà giải và chữa lành những chia rẽ trong cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội để chúng con luôn luôn bác ái mỗi khi muốn sửa lỗi cho nhau.