KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy niệm Lễ Giáng Sinh và Thánh Gia Thất (Lm Phêrộ Trần Văn Trợ SJ)
Đại lễ Giáng Sinh và lễ Thánh Gia Thất giúp ta suy gẫm đến nhân đức khiêm nhượng, đức vâng phục và đức kiên nhẫn của Chúa Giêsu. Vì tình thương bao la của Ngài luôn dành cho mỗi con người, mà Ngài vui lòng chấp nhận tự hạ mình xuống đến tận hàng rốt cùng trong nhân loại.

“Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.” (Gn 1) 

Sau biết bao là các lời tiên báo để chuẩn bị tinh thần cho dân Chúa chọn, xuyên suốt qua nhiều tiên tri và hàng bao thế hệ, cuối cùng Thiên Chúa đã sai Con Một chí ái của Ngài đến trong trần gian, để thực hiện lời hứa của chương trình Thiên Chúa cứu chuộc loài người; ấy vậy mà lòng dạ loài người vẫn chai đá, không sẳn sàng để chào đón Đấng Thiên Sai của Chúa! Ôi, đây rõ thật là một thảm họa cho loài người! Vì chính Ngài là cội nguồn ơn sủng của tất cả mọi điều thánh thiêng, thiện hảo mà lòng người luôn khát khao trông đợi.

Vậy mà khi Ngài xuất hiện ngay ở giữa họ, loài người lại chẳng nhận ra dung mạo bình dị, dịu hiền của Ngài; trái lại họ vẫn háo hức đi tìm Ngài ở những chốn xa xăm, kỳ lạ! Ôi lạy Chúa, sao Ngài lại có thể trở nên quá đỗi thấp hèn, khiến chúng con không bao giờ có thể hình dung ra được Ngài lại như thế! “Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người!”

Nhìn từ góc độ của loài người, thì biến cố này tựa như là một thảm cảnh cho Con Thiên Chúa, vì đã bị loài người hất hủi, bỏ rơi, không màng đến! Nhưng Thiên Chúa nào có cần loài người phải đón tiếp Ngài với kèn trống vang dội, oai phong như một ông vua trần gian, thì Ngài mới có thể nên Chúa của họ? “Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời!” Đâu phải đợi người trần gian vun đắp cho, Ngài mới có được? Nhưng do chính ngay từ thuở ban đầu Ngài đã ban cho mọi sự, nên loài người mới có được một chút uy quyền.

Thiên Chúa vinh hiển từ trời cao, nay đã hoá thân thành một con người phàm trần, đơn sơ bé bỏng; một việc chỉ duy có Thiên Chúa toàn năng mới làm được mà thôi! Một Thiên Chúa đầy quyền uy dũng lực như thế, lại chấp nhận ẩn thân vào trong một hình hài trẻ thơ mong manh, yếu ớt; lại hoàn toàn lệ thuộc vào những giúp đỡ chăm sóc từ những người phàm hèn khác: một hành động tự hạ cho đến tận cùng thẳm sâu giữa nhân loại! 

Và thật hạnh phúc xiết bao cho những ai hằng trông đợi, và đã nhận ra Ngài ngay chính thời điểm Ngài xuất hiện. Họ đã được phỉ chí toại lòng, no thoả trong yêu thương sau hàng bao năm dài ngóng trông! “Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống trên địa cầu.”

Qua biến cố này chứng tỏ rằng đường lối của Thiên Chúa rất khác xa với đường lối của loài người, khác đến nỗi đối nghịch nhau như ánh sáng với bóng tối! Loài người đã đánh mất cơ hội vô cùng cao quí, chỉ diễn ra một lần duy nhất trong lịch sử nhân loại! Đa số con người trần gian đã bỏ lỡ chuyến tàu lịch sử duy nhất đưa họ vào cõi sống tràn đầy ánh sáng và bình an!

Lễ Thánh Gia Thất nhắc cho ta nhớ lại một cuộc đời ẩn dật khá dài của Chúa Giêsu, suốt ba mươi năm trường để chuẩn bị cho sứ mạng trọng đại chỉ kéo dài chỉ có ba năm. Ta hãy thử ngẫm xem, Chúa Giêsu đã phải liên lỉ cảm thấy bực bội, khó chịu trong lòng biết dường nào; khi hàng ngày phải chứng kiến những khó khăn, đau khổ của rất nhiều người xung quanh; trong khi vẫn biết mình có thừa sức giúp đỡ họ; mà đành phải chịu thúc thủ chờ thời suốt ba mươi năm ròng!

Ngài đã phải khiêm nhượng và kiên nhẫn đến tột bật, để chu toàn thánh ý Chúa Cha. Điển hình là tại tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu biết rõ nỗi khổ của chủ nhà và đôi tân hôn; nhưng Ngài vẫn ‘án binh bất động’, không hề có ý làm một điều gì hết! Khi được Đức Mẹ nhắc khéo, Ngài đã lạnh lùng trả lời: “Việc đó can chi đến tôi với bà, vì giờ tôi chưa đến?” Nhưng chỉ vì nể trọng Đức Mẹ, và ‘bị gài vào thế chẳng đặng đừng’, nên Ngài phải ra tay giúp đỡ họ.

Đại lễ Giáng Sinh và lễ Thánh Gia Thất giúp ta suy gẫm đến nhân đức khiêm nhượng, đức vâng phục và đức kiên nhẫn của Chúa Giêsu. Vì tình thương bao la của Ngài luôn dành cho mỗi con người, mà Ngài vui lòng chấp nhận tự hạ mình xuống đến tận hàng rốt cùng trong nhân loại, để từ điểm thấp nhất ấy, Ngài có thể ôm trọn nhân loại vào lòng, để ban ơn cứu độ cho hết thảy mọi người, rồi nâng họ lên địa vị cao sang làm con Thiên Chúa, nhờ được quyền đồng thừa tự với Ngài trong niềm tin: Ngài chính là Đấng Thiên Sai.

Lm Phêrô Trần Văn Trợ SJ