KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Suy niệm Thứ Năm sau Chúa Nhật 10 Thường Niên (Lm FX Nguyễn Văn Tuyết)

 BÀI ĐỌC I: Cv 11, 21b-26; 13, 1-3
"Họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đệ lần đầu tiên nhận tên là "Kitô hữu".

Bấy giờ trong hội thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thư ấu, và Saolô.

Đang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: "Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định". Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường.

Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM: Mt 10, 7-13
"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.

"Các con chớ mang vàng, bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc: vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở nơi đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi.
"Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: 'Bình an cho nhà này'. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì sự bình an của các con sẽ trở về với các con".

Đó là lời Chúa.

Suy Niệm.

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là "người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi." Thánh Barnaba là người đứng ra bảo đảm và giới thiệu thánh Phaolô với các tông đồ. Marcô, thánh sử người bà con họ hàng với thánh Barnaba. Theo truyền thuyết, thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Trong tinh thần truyền giáo của thánh Barnabak chúng ta cùng nhau suy tư về tinh thần truyền giáo của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Chúng ta đang sống thời gian náo động, với nhiều hỗn loạn xảy tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Úc, tại Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung, đại dịch Vũ hán đào bới ý thức về xã hội chúng ta, làm lộ rõ điều tốt lẫn điều xấu trong nhiều cá nhân. Cấu trúc xã hội chúng ta được đặt nền tảng của sự đồng ý về việc thực hành tự do cá nhân trong một cách thức rằng tự do chúng ta sử dụng không gây thiệt hại cho một thành viên khác trong xã hội. Tự do của chúng ta được mở ra một cách rộng rãi, tuy nhiên nó sẽ chấm dứt khi chúng ta trở thành nguyên nhân gây thiệt hại cho người khác hoặc đặt người khác vào vị trí của một hoàn cảnh ít an toàn hơn là trước đó. Chúng ta mang khẩu trang nơi công cộng để bảo vệ người khác để đề phòng trường hợp có sự gì đó không tốt liên quan đến sức khoẻ của chúng ta chứ không nhất thiết để bảo vệ chúng ta từ người khác.

Thêm vào sự căng thẳng của việc chiến đấu với một đại dịch đã khiến cho hàng trăm ngàn người trên thế giới bị chết, và chỉ riêng tại Mỹ đã có hơn 100 ngàn người đã qua đời. Thế nhưng trong những ngày qua chúng ta chứng kiến, tại Mỹ, một bối cảnh mới nơi mà một nhân viên cảnh sát đã tạo ra cái chết của một người da đen. Các cuộc biểu tình ôn hoà đã biến thành bạo động và đáng buồn là đã dẫn đến bạo động và cướp bốc khiến cho nhiều người phải tan gia bại sản của những người vô tội khác. Chúng ta đòi công lý cho một người thế nhưng đâu là công lý của những người mà tài sản của họ đã bị tiêu huỷ trong cuộc bạo động?. Chúng ta đạt được điều gì qua bạo động?

ĐTC Phanxicô hôm thứ Tư (3/6/20) nói với dân chúng Mỹ rằng: “Các bạn thân mến, chúng ta không thể bao dung hoặc nhắm mắt trước bất kỳ loại phân biệt chủng tộc hay loại trừ nào và giả vờ bảo vệ sự thánh thiêng của mọi sự sống con người. Đồng thời, chúng ta phải nhận ra rằng bạo lực trong những đêm vừa qua là tự hủy hoại và tự gây thương tích. Chúng ta không đạt được điều gì bằng bạo lực và mất rất nhiều điều.

Trong bối cảnh hiện nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy kiềm chế sự giận dữ của mình và thách thức chúng ta hãy nhìn về phía trước, để suy tư lại thái độ và khuynh hướng của chúng ta, để hiểu cách mà chúng ta dùng địa vị và đặc quyền của mình. Người mời gọi chúng ta hãy mở rộng cánh tay và tâm hồn, để nối liền trong tình yêu của Người cho những người đang đau khổ vì đại dịch, cho các nạn nhân của các cuộc bạo động vô nghĩa, cho những người áp bức và ngược đãi các nạn nhân vô tội, và cho những người đang cầm quyền có những hành động áp bức một cách vô ý thức. Chúa sẽ nối chúng ta lại trong sự đối thoại với các nạn nhân và gia đình của họ, với các cộng đoàn và các nhà kinh doanh, với cảnh sát và những lực lượng an ninh chính phủ, trong việc tìm kiếm những phương thức công bằng và tốt hơn trong tương lai cho tất cả mọi người.

Chúng ta cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta ân sủng để hiểu được cách mà chúng ta vô ý đối xử với người khác theo định kiến của mình, cách mà chúng ta không nhạy cảm khi dùng danh nghĩa hay đặc ân của mình khi đối xử với người khác, và ban sức mạnh để chúng ta mở rộng cánh tay nối liền với Chúa Giêsu đến tất cả những người chung quanh.