KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA (Lm G.B Lê Hồng Mạnh SVD)
Khi Hội Thánh đang bước vào tuần thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn, đi lại những chặng đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, thì thế giới, từ đầu năm đến giờ đang sống trong nỗi lo âu, sợ hãi và nhất là những người già, đang vác thập giá quá nặng nề, bất công, khó hiểu.

"Lạy Cha! nếu có thể, xin cất chén đắng này khỏi con, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha"

Vâng, chúng ta tin Đức Giêsu Ki-tô chính là Chúa, Ngôi hai Thiên Chúa. Nhưng, suy niệm lại sự Thương Khó của Chúa trong ngày lễ lá, chúng ta thấy được rằng: Khi Chúa làm người và ở giữa chúng ta, Ngài là một con người chịu muôn vàn đau khổ của thể xác lẫn tâm hồn; lúc mới sinh thời đã bị vua Hê-rô-đê đuổi giết, phải làm người 'tị nạn' ở Ai-cập; bị ma qủi cám dỗ; rồi trong những năm tháng rao giảng tin mừng, Ngài bị chống đối tứ bề. Cùng nhau đọc, suy niệm và đi lại con đường mà Chúa đã đi (vì dịch Covid19, nhiều nơi không thể đến nhà thờ được, bởi vậy xin đọc hoặc nghe lại bài Thương Khó Chúa Giêsu một lần nữa!). Chính trong vườn cây dầu, Đức Giêsu đối diện với sự đau đớn tột cùng của thân phận làm người. Ngài chấp nhận cái đau của thể xác và nỗi khổ của tâm hồn. Ngài vâng theo thánh ý Chúa Cha. Ngài không 'tôn vinh' sự khổ đau nhưng phía sau của đau khổ, của cái chết là Hy vọng, là sự Sống đời đời.

Theo cái nhìn của nhà phật thì 'đời là bể khổ'. Sinh-bệnh-lão-tử là định mện con người, nhưng thật khó khi mà cha mẹ cảm thấy bất lực trước những bịnh nan y, bịnh ung thư của con mình. Người con phải chứng kiến bịnh mất trí 'dementia', những yếu đau trong tuổi già của mẹ cha mình. Vâng, phản ứng tự nhiên của con người là muốn làm cho những đau đớn biến mất trên đời, hoặc tìm mọi cách để giảm bớt những đau khổ. Hiện giờ, với đại dịch covid19, bắt đầu từ Trung quốc nay đã và đang làm tê liệt cả thế giới. Thật kinh hoàng khi thấy hàng ngàn người chết và có thể hàng triệu người sẽ bị lây nhiệm. Gần 4 tỉ người phải giữ khoảng cách, locked down, để bảo vệ cho nhau. 

Khi Hội Thánh đang bước vào tuần thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn, đi lại những chặng đường thánh giá mà Chúa Giêsu đã đi, thì thế giới, từ đầu năm đến giờ đang sống trong nỗi lo âu, sợ hãi và nhất là những người già, đang vác thập giá quá nặng nề, bất công, khó hiểu. Hàng ngàn người vô tội đã chết như bị 'đóng đinh' trên thập tử của Covid19. Thật bùi ngùi khi hiệp thông với Đức Thánh Cha Francisco trong tuổi già, một mình, cô độc, đi khẩp khẩn dưới cơn mưa trong đêm 27/3 tại quảng trường Thánh Phê-rô. Ngài chấp tay, cúi đầu, cầu nguyện, rồi Ngài ngẩng đầu lên ban phép lành, ban Ơn Đại xá cho chúng ta, qua TiVi, online trực tuyến. Đức Thánh Cha đã đọc và suy niệm đoạn Phúc âm Marcô 4:35-41: 'Chúa Giêsu ra lệnh cho sóng gió lặng iên, khi con thuyền các tông đồ đang gần chìm vì mưa to, gió lớn, các ông tưởng sẽ bị chết trong sợ hãi'. Hãy vững tin và đừng sợ vì Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta!

 

Tuy xa mà gần! Xa nhà thờ, nhưng xin được gần Chúa hơn qua việc đọc Lời Chúa; 'stay at home', về lại 'nhà tâm hồn' để đón Chúa, để ít bị giao động trước những thách đố hiện tại, bớt sợ hãi và không bị cuốn theo những lời tiên tri giả, không phải từ Chúa, không đến từ Hội Thánh.

Nước Úc và nhiều nơi trên thế giới, đang phải cô lập hoá để vượt qua đại dịch. Trong hoàn cảnh hiện nay, qủa thực những việc làm nho nhỏ mà lại là to lớn, những việc bình thường mà lại rất quan trọng như: ở nhà nếu không cần ra ngoài, giữ khoảng cách cho nhau, giữ vệ sinh, quan tâm đến những người cao niên, hàng xóm và 'hãy trở về, về với Cha nhân lành', mở cửa lòng đón tiếp Ngài vào nhà mình. 

 

Xin kết thúc bằng câu chuyện:"Một sinh viên đang gặp khủng hoảng trong cuộc sống, như nhiều người khác, anh ta quyết định trút hết sự bực tức lên Thiên Chúa (một cách cầu nguyện rất chân tình). 

Ngày nọ, anh vào trong nguyện đường của trường đại học (lúc đó nhà nguyện chưa bị đóng cửa vì coronavirus!). Anh ngước mắt lên thập giá và lớn tiếng nói với Chúa: "Tất cả những gì chúng con có trên đời này đều là vấn nạn, rồi toàn là những người ngu dốt, không biết làm thế nào để giải quyết! Chúa biết không? Ngay cả con đây cũng có thể giải quyết và tạo ra một thế giới tốt hơn hiện tại!" Rồi trước sự thanh tịnh của nhà nguyện, tự trong cung lòng của người sinh viên có tiếng Chúa nói: "Ừ, đó là điều mà con nên làm!""

Phút hồi tâm:

1. Tôi đã cảm nghiệm được sự Thương Khó 'Passion' của Chúa như thế nào?

2. Trước đại dịch covid19, tôi cần làm gì thêm để chia sẽ niềm Hy Vọng qua sự Thương Khó và mầu nhiệm Phục Sinh?

JB. Mạnh Lê, svd