KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
TỪ BỎ LÀ CHO ĐI (Linh mục Giuse Mai Văn Thịnh)
Hãy quan tâm đến các nhu cầu của người khác nhiều hơn là nhu cầu của chính chúng ta

 TỪ BỎ LÀ CHO ĐI.
Trong khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy lo sợ, vì những huấn lịnh và các yêu cầu của Chúa quả thật rất khó khăn. Có thật Chúa yêu cầu tôi phải dứt bỏ (hay ghét) thành viên trong gia đình và cả bản thân mình rồi mới trở thành người môn đệ của Chúa hay không? Thế nào, lại chẳng có người khuyên tôi là đừng giải thích và hiểu bản văn theo nghĩa đen. Đức Giê-su không khắt khe và yêu cầu con người thực hiện điều mà mình không bao giờ làm được đâu! Hơn thế nữa, nếu thân bằng quyến thuộc mà mình không thương thì ai còn tin vào tình thương của mình là chân thật nữa?
Khi Đức Giê-su nói: ai đến với Người mà không ghét (dứt bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không đáng làm môn đệ của Người; đây là một kiểu nói so sánh tạo cho người nghe một cú ‘sốc’ và phải chú tâm tìm hiểu.
Có nhiều người giải thích là bất kỳ ai yêu thương cha mẹ, con cái và anh chị em hơn Chúa thì không xứng đáng theo chân Chúa. Chúa không ghen với chúng ta. Chúa buộc con người phải chọn lựa ưu tiên. Chúng ta ý thức rằng trước khi thuộc về nhau, con người phải thuộc về Chúa trước. Vì thế, việc chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống để thuộc về Chúa sẽ giúp chúng ta gần những người thân trong gia đình hơn.
Với ý tưởng như thế, chúng ta mới khám phá ra có mối dây liên hệ giữa việc sắp đặt thứ tự ưu tiên mà các môn đệ cần chọn lựa giữa hành động dứt bỏ họ hàng với từ bỏ mình.
Từ bỏ mình không phải vì mình đã làm sai điều gì; cũng không phải vì ghét bản thân mình nên từ bỏ nó. Nhưng, Đức Giê-su yêu cầu chúng ta từ bỏ mình có nghĩa là từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm, từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý nghĩ hoang tưởng tự nhận mình là người khôn ngoan, nắm giữ mọi câu trả lời.
Việc từ bỏ theo tinh thần của Chúa nhằm giúp chúng ta tập trung vào việc yêu Chúa với cả tấm lòng và yêu tha nhân như Chúa yêu; rồi từ đó chúng ta sẽ có lối suy nghĩ như Chúa vậy. Từ bỏ mình để chấp nhận và sống theo ý Chúa giúp chúng ta đến gần và dễ dàng nối kết với những người thân hơn.
Dường như đó là những gì Đức Giê-su muốn khuyên. Từ bỏ không để trở thành một gương mẫu hay một ‘role model’; nhưng từ bỏ để được tự do và sẵn sàng đón nhận Thập giá của mình rồi chung chia với Thập giá của Đức Giê-su, Đấng đã vác để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhiều hơn chúng ta dành cho Người.
Sứ điệp hãy từ bỏ của Đức Giê-su là một nghịch lý. Thay vì từ bỏ điều này, hy sinh điều kia thì chúng ta hãy cho đi nhiều hơn. Hãy quan tâm đến các nhu cầu của người khác nhiều hơn là nhu cầu của chính chúng ta. Đó là sứ điệp của Chúa, ai sẵn sàng chết cho ý riêng mình thì người đó sẽ tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực làm người môn đệ.
Các việc từ bỏ như thế cũng là ơn gọi của những người cha của chúng ta. Các ngài đã hy sinh, từng bước dìu chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa, và luôn luôn là chỗ dựa vững chắc mỗi khi chúng ta bị vấp ngã.
Và để biểu lộ tâm tình biết ơn nhân ‘ngày nhớ ơn Cha’, chúng con xin dâng lên Chúa lời cầu xin:
Lạy Chúa,
Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những người cha (ba, bố) kính yêu.
Chúng con được hưởng những ân phúc từ trời cao nhờ tình yêu và sự quan tâm của cha (ba, bố) chúng con.
Chúng con được như bây giờ là nhờ các ngài.
Các ngài tận tâm với chức vụ làm cha, lo lắng và luôn sẵn lòng hy sinh cho chúng con.
Nguyện xin cho cha (ba, bố) chúng con luôn biết rằng: chúng con luôn cần đến người,
Chúng con luôn yêu mến và kính trọng cha chúng con, bây giờ và mãi mãi. Amen!

Linh mục Giuse Mai Văn Thịnh