KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tại Sao Đức Giêsu Chú Trọng Đến Khiêm Tốn?
Thái độ khiêm tốn của Đức Giêsu không phải là thái độ của người bi quan yếm thế, nhưng là thái độ quên mình cho vĩ nghiệp cứu nhân độ thế. Không có thái độ đó, Đức Giêsu không thể tham dự trọn vẹn vào thân phận loài người chúng ta chỉ trừ tội lỗi.

Bài Tin Mừng Hôm cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu dạy các môn đệ Người về lòng khiêm tốn, biết từ bỏ chính mình để phục vụ anh em đồng loại vì “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12)

Đức Giêsu là mẫu gương khiêm tốn của tất cả chúng ta. Trong thư gửi tín hữu Phi-lip-phê, thánh Phaolô nói rằng “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Thái độ khiêm tốn của Đức Giêsu không phải là thái độ của người bi quan yếm thế, nhưng là thái độ quên mình cho vĩ nghiệp cứu nhân độ thế. Không có thái độ đó, Đức Giêsu không thể tham dự trọn vẹn vào thân phận loài người chúng ta chỉ trừ tội lỗi (Dt 4,15). Như vậy, ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại không đi qua con đường nào khác ngoài con đường khiêm tốn của Đức Giêsu, Con Chí Ái của Chúa Cha.

Trong Công Vụ Tông Đồ, thánh Phaolô bày tỏ rằng “Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái” Cv 20,19); thánh Phaolô cũng nhắc nhủ các tín hữu ở Êphêsô rằng “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Như vậy, sự khiêm tốn của Đức Giêsu tiếp tục được sống và quảng diễn bởi các tác giả Tin Mừng và trở nên tiêu điểm cho những giáo huấn về đường sống đạo cho những ai tin nhận Đức Giêsu và sứ điệp của Người.

Câu hỏi chúng ta đặt ra là tại sao Đức Giêsu lại chú trọng đến khiêm tốn như vậy? Thưa, tại vì Đức Giêsu muốn chúng ta theo gương Người đi ngược lại con đường mà Adong – Evà đã đi xưa, con đường kiêu ngạo. Trong Bảy Mối Tội Đầu, tội đầu tiên là tội kiêu ngạo (thứ nhất khiêm nhường chớ kiêu ngạo…). Kiêu ngạo là khởi đầu cho bao tội khác; khiêm tốn sẽ là khởi đầu cho bao nhân đức khác.

Xin Thánh Thần Chúa luôn nâng đỡ chúng ta để chúng ta biết sống khiêm tốn, biết từ bỏ chính mình và dành chỗ cần thiết cho Chúa trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Linh mục Đặng Đình Nên