KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Thánh Giá Nguồn Ơn Cứu Rỗi
Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi con cái mình ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Mục đích của 3 hành động này nhằm giúp mỗi người chúng ta hãy trở về, hãy tìm hiểu, hãy trả lời, hãy tái định hướng cuộc sống mình trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa mà đỉnh cao là thập giá và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

Người ta kể lại câu chuyện rằng một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh, trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà, tuyệt nhiên bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà bấy lâu nay, quà tặng duy nhất mà bà để lại cho cô là một thánh giá làm bằng thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng đầy cay đắng buồn phiền, cô tự nghĩ: Mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì, không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt đắng cay, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném mạnh trên nền nhà, cây thập giá vỡ tung, và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh. Cô gái chỉ có thể hiểu được tình thương đặc biệt của người chủ  dành cho mình khi cô nhận ra giá trị của món quà.

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 3,14-21), thánh Gioan trình bày cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô liên quan đến chuyện ‘tái sinh hay sinh lại’, trong đó, Đức Giê-su nói: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Chúng ta biết rằng thời Đức Giê-su, đất nước Do Thái là nơi giao thoa của các tôn giáo, văn hóa và thể chế chính trị lớn vùng Địa Trung Hải. Người Do Thái bị người Rôma cai trị. Luật lệ của Rôma rất khắc nghiệt, trong đó, thập giá được xem là hình phạt rùng rợn nhất. Những người Do Thái hay bất cứ cư dân thuộc sắc tộc nào phạm tội nặng thì sẽ bị treo trên thập giá. Chính Đức Giê-su đã phải chịu hình phạt này.

Trên thập giá, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã mang lấy án phạt nặng nhất không phải vì Người phạm tội lỗi nào, nhưng để thông phần trong môi trường tội lồi và để cam chịu sự khổ đau của kiếp người do tội lỗi gây nên. Thiên Chúa sống tình trạng tội nhân và chết trong tình trạng tội nhân là mầu nhiệm lớn lao của mặc khải Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu câu chuyện của Đức Giê-su chỉ dừng lại ở chỗ Người bị treo trên thập giá thì quả thực chương trình của Thiên Chúa vô nghĩa, nếu không muốn nói là thất bại. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã chiến thắng thập giá, chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô lại nói rằng “trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).

 Qua thập giá tới vinh quang hay qua tập giá tới phục sinh đó là chủ đề quán xuyến của niềm tin Ki-tô Giáo. Thập giá và phục sinh chính là chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Thập giá và phục sinh cũng chính là chương trình của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Như thế vấn đề chính yếu là mỗi người chúng ta cần cộng tác với Đức Giê-su Ki-tô trong hành trình dương thế này.

Chính Đức Giê-su, đã bắt đầu sứ mệnh rao giảng Tin Mừng rồi sau đó chịu chết và phục sinh bằng việc ăn chay 40 ngày đêm trong sa mạc. Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi con cái mình ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Mục đích của 3 hành động này nhằm giúp mỗi người chúng ta hãy trở về, hãy tìm hiểu, hãy trả lời, hãy tái định hướng cuộc sống mình trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa mà đỉnh cao là thập giá và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô.

Lm Đặng Đình Nên