KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tiền của chóng qua (Lm. Antôn Trần Bạch Hổ, SVD)
Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, người quản lý bất trung đã khéo lợi dụng tiền của để lo cho tương lai của mình, đó không phải là mẫu mực cho người Kytô hữu theo nghĩa đen; mà từ thái độ này, Chúa Giêsu muốn hướng chúng ta tới một thái độ khôn ngoan đích thực của con cái Thiên Chúa là biết dùng tiền của chóng qua đời này, để mua lấy nước trời mai sau.

Tiền bạc, tự nó, không tốt cũng không xấu.  Nó tốt hay xấu là tùy thuộc cách chúng ta  sử dụng nó.  Thế nhưng, tiền bạc thường mang một sức lôi cuốn mãnh liệt, nó có thể khiến chúng ta chà đạp lương tâm, chối bỏ nhân nghĩa và dẫn con người đến chỗ lầm lạc. Thế cho nên có người bảo: “Tiền là Tiên là Phật. Là sức bật của tuổi trẻ. Là sức khỏe của tuổi già. Là cái đà danh vọng. Là cái lọng che thân. Là cán cân công lý. Đồng tiền là hết ý!!!”

Khi chỉ lo toan mưu tính sao cho được có nhiều tiền bạc, người ta bị trói buộc vào sự thèm khát tiền bạc một cách mãnh liệt, để rồi bị đắm chìm triền miên trong nỗi khát vọng này.  

Những người này ngày đêm chỉ khao khát là làm sao để được giàu có về tiền bạc, để rồi lại trở nên nghèo nàn trong tình thương người đồng loại, vì họ đâu có thì giờ để nghĩ đến chuyện giúp đỡ hay cầu nguyện cho những người nghèo nàn xấu số hơn họ!  Đây là cái nghèo nàn khốn cùng nhất trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Tiền bạc lắm lúc làm thay đổi lòng người.  Có nhiều người thay đổi hẳn tính tình, khi đã trở nên giàu có.  Có thể nói là lòng họ đã đổi trắng thay đen.  Thế cho nên Nguyễn Du đã có lần than thở: “Trong tay đã sẵn đồng tiền.  Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”

Và còn tệ hại hơn nữa, là khi người giàu dùng đồng tiền để mua chuộc tất cả những gì mà họ muốn, ngay cả đến những điều trái ngược lại với luân thường đạo lý: “Đồng tiền mạnh mẽ biết bao.  Bẻ cong công lý, lật nhào công minh.”  Hay là: “Buồn thay vật chất làm vua, ‘Đức, trí, lễ, nghĩa’ phải thua đồng tiền.”

Đó là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng.” (Mt 19: 20).   Đây là hạng người giàu có, nhưng vẫn luôn mang nỗi đói khát bất tận về tiền bạc, để chỉ biết tham lam, chiếm đoạt của cải cách bất chính, đánh giá người khác dựa vào của cải mà họ có, dùng tiền bạc để áp chế người nghèo, hay hưởng thụ một cách phung phí trước bao thống khổ của anh chị em đồng loại.

Xã hội nào cũng có những tệ nạn này không ít thì nhiều, như bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Amos đã mô tả.

Thấy được sự lôi cuốn và hấp dẫn tệ hại của tiền bạc, Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh tỉnh người Kytô hữu bằng những lời dạy và những ngụ ngôn khác nhau.  Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, người quản lý bất trung đã khéo lợi dụng tiền của để lo cho tương lai của mình, đã được ông chủ cho là khôn khéo, không phải là mẫu mực cho người Kytô hữu theo nghĩa đen; mà từ thái độ của người quản lý này, Chúa Giêsu muốn hướng chúng ta tới một thái độ khôn ngoan đích thực của con cái Thiên Chúa là biết dùng tiền của chóng qua đời này, để mua lấy nước trời mai sau. 

Nguyện xin Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng, chỉ mình Ngài là giá trị chân thực và vĩnh cửu, để chúng ta biết dùng tất cả những của cải được trao ban như phương tiện, để tìm gặp Ngài là nguồn hạnh phúc vô biên và  chân thật của chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Trần Bạch Hổ, SVD