KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Tình yêu đã chiến thắng sự dữ (Lm Phêrô Trần Văn Trợ S.J)
Chúa Giê-su đã tỏ rõ nỗi sợ trước cái chết tức tưởi thê lương Ngài sắp phải chịu; xong vì yêu thương Chúa Cha và yêu thương nhân loại, Ngài chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình để làm hy lễ dâng lên Chúa Cha, đền tội cho cả và nhân loại.

Xuyên suốt lịch sử nhân loại, loài người vẫn luôn thách thức Thiên Chúa, nhưng chính lời thách đố của các thượng tế dành cho Chúa Giê-su đang bị treo đau đớn nhục nhã trên thập giá là đỉnh điểm của lòng cao ngạo ấy: "Nếu ngươi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta tin!" Họ đòi buộc Thiên Chúa phải ngay lập tức chìu theo ý riêng họ và với điều kiện của họ! Nghĩa là họ muốn làm chủ chương trình; nắm cương vị chỉ huy và đặt ra luật chơi; rồi bắt Thiên Chúa phải chơi theo luật của họ; nhưng Thiên Chúa đã chọn im lặng để trả lời cho thách đố của họ; vì thế họ đã huênh hoang tự mãn trong 'chiến thắng' của mình!

Trái lại Thiên Chúa đã hành động đầy uy quyền và kỳ diệu, vượt xa những suy nghĩ và toan tính của loài người, khi Ngài chọn đúng ngay những phương thế mà loài người cho rằng yếu đuối, xấu xa, đáng khinh bỉ nhất trần gian, hầu khai mở nguồn ơn cứu độ cho loài người. Sau khi đã chấp nhận sinh ra trong nghèo nàn giữa những kẻ cùng rốt của xã hội; sống cuộc đời lao động lam lũ, vất vã chân tay; ra công rao giảng Tin Mừng Nước Trời và luôn sẳn sàng thi ân giáng phúc cho biết bao nhiêu người; để rồi cuối cùng bị loại ra khỏi xã hội như một hạng đáng kinh tởm nhất, dưới một nhục hình rùng rợn dã man nhất loài người bày ra; Chúa Giê-su đã chấp nhận cái thân phận đau thương nghiệt ngã nhất của một kiếp nhân sinh, bởi vì Ngài đã tự nguyện gánh hết tội lỗi của loài người. "Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta." (Gn 12:32)

Trong lời cầu nguyện đầy bi thương thống thiết nơi vườn cây dầu: "Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này. Đừng theo như ý con, một xin vâng ý Cha đã định trước muôn đời." Chúa Giê-su đã tỏ rõ nỗi sợ trước cái chết tức tưởi thê lương Ngài sắp phải chịu; xong vì yêu thương Chúa Cha và yêu thương nhân loại, Ngài chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình để làm hy lễ dâng lên Chúa Cha, đền tội cho cả và nhân loại. Ngài vui lòng phó dâng mạng sống mình, ngỏ hầu thánh ý và tình yêu của Chúa Cha được thể hiện sống động cho loài người, trong hình ảnh cụ thể của một con người Giê-su. Chúa Cha vẫn hành động mạnh mẽ và hiệu quả trong sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giê-su. Đàng sau cái chết phần xác của đức Giê-su, loài người không còn làm gì hơn được nữa; nhưng Thiên Chúa vẫn còn hiện diện và hoạt động liên lỉ nhằm khai mở một nguồn ơn cứu độ đến mãi muôn đời. Thiên Chúa đã cho đức Ki-tô của Ngài được sống lại vinh hiển với một thân thể uy nghi sáng láng, chiến thắng tử thần một lần cho mãi mãi về sau. Thiên Chúa đã lên tiếng nói quyết định sau cùng tại thời điểm và trong tư thế oai phong của Ngài. Đức Giê-su đã sống lại vinh quang từ trong cõi chết, là một điều quá đỗi kỳ diệu Thiên Chúa đã làm ngay trước mặt chúng ta:

"Phiến đá bọn thợ xây loại bõ, đã trở nên tảng đá góc tường." (Tv 118, 22)  

Chúng ta hãy reo hò mừng vui vì Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại thật, Alleluia, Alleluia! Sự phục sinh của Ngài là hy vọng tràn trề cho mỗi chúng ta sẽ được sống mãi muôn đời, khi ta đặt trọn niềm tín thác nơi Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế.

Lm Phê-rô Trần Văn Trợ SJ