KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Trong Chúa Mọi Sự Đều Khả Thi! (Lm Giuse Mai Văn Thịnh
Trong thân phận con người, bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cảm nghiệm được sự thống trị này: Con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu. Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa.

Bài đọc một hôm nay kể lại một phần của sự tích sa ngã trong sách Sáng Thế. Qua đó, chúng ta nhận thấy sự tội đã hiện diện trước khi con người bất tuân. Con người không tạo ra tội, nhưng tiếp tục sự hiện hữu của nó bởi việc ưng thuận và để cho quyền lực của sự tội thống trị. Tội có nguồn gốc riêng, luôn luôn đối nghịch với uy quyền của Thiên Chúa, và con người là nạn nhân cho sự hoành hành đó. 

Trong thân phận con người, bằng kinh nghiệm sống, chúng ta cũng cảm nghiệm được sự thống trị này: Con người khó khăn trong việc thiện và dễ dàng chiều theo sự xấu. Chúng ta thường sống theo ý muốn của mình hơn là ý định của Thiên Chúa. Và như vậy tương quan giữa Thiên Chúa và ta cũng bị đứt đoạn. Từ sự đứt đoạn đó, như Adam, chúng ta đi trốn: trốn Thiên Chúa, trốn nhau và trốn chính mình. Từ sự rạn nứt trong tương quan với Thiên Chúa, con người đi đến sự đổ vỡ khác. Chúng ta không dám nhìn nhận việc mình đã làm, lại đổ thừa cho người khác và gián tiếp đổ thừa cho Chúa. 

Trước khi phạm tội thì người đàn ông đã nhìn người phụ nữ bằng câu nói thật âu yếm và thơ mộng như ‘nàng là xuơng bởi xuơng tôi, thịt bởi thịt tôi’. Nhưng sau khi sa ngã thì khác; tất cả sự âu yếm và thơ mộng không còn nữa, để nhường chỗ cho những oán trách và thở than, như ‘giả như không có người đàn bà đó thì đời con đâu đến nông nỗi này’. Từ tình nghĩa phu thê bị rạn nứt dần đến tình anh em cũng chẳng còn, giết nhau chỉ vì ghen tương như trường hợp của Ca-in và A-ben. Lối cư xử mất tình mất nghĩa cứ thế lan rộng ra, bao trùm xã hội và lan ra cả thế giới. 

Tuy nhiên, không vì những hành vi bất tuân của họ mà có thể thay đổi ý định và chương trình yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu! Tình yêu của Ngài được trải dài bằng chương trình cứu độ. Cho nên, tác giả của trình thuật không hề nói đến việc Thiên Chúa trực tiếp trừng phạt con người. Trái lại, Ngài còn đi bước trước để tìm kiếm và gỡ rối cho họ. “Nghe thấy tiếng Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Và, trong phần cuối của bài đọc một hôm nay, tác giả đã hé lộ cho chúng ta thấy Chúa sẽ không bỏ cuộc. Uy quyền của Ngài sẽ thắng sự dữ và những kẻ thuộc về nó sẽ thần phục duới chân Ngài. Đó chính là sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay. 

Bài Tin Mừng, tuy chất chứa nhiều phần riêng biệt nhưng tác giả đã làm nổi bật vai trò và sứ vụ của Đức Giê-su. Người là Đấng mà tác giả của bài đọc một đã tiên báo, thì nay đã xuất hiện. Nơi Người, quyền năng của sự dữ bị tiêu diệt, Nuớc Thiên Chúa được thiết lập. Trong đó, mối dây liên kết chúng ta lại với nhau không dựa trên huyết thống, máu thịt; nhưng trên căn bản của niềm tin và lòng mến mà con người trao cho nhau để thành gia đình mới.

Quả là một điều đáng buồn là hàng ngũ lãnh đạo, nhất là thành phần có ăn có học trong dân chúng lại không nhận ra đuợc các điều đó. Họ đã vu cáo Chúa là tay sai của thần dữ. Thậm chí cũng có một vài người trong huyết tộc lại cho rằng Nguời là kẻ mất trí. Tuy Thánh sử không nói rõ tại sao họ lại có cái nhìn lệch lạc như thế. Nhưng dựa vào tinh thần của bài đọc 1 và kinh nghiệm tôn giáo của mỗi người, chúng ta cũng có thể cho rằng thói hành xử và lối nhìn sai lầm đó phát sinh từ tính kiêu ngạo, khư khư ôm lấy ‘cái tôi’ của bản thân, gán ghép cho người khác điều mà chính bản thân mình lo lắng và sợ hãi. Thái độ của họ phản ảnh đúng như Lời cảnh báo của Đức Giê-su phán hôm nay “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”

Như vậy, với Đức Giê-su thì nền văn hoá của đổ lỗi, bán cái trách nhiệm trong bài đọc một đã bị thay đổi bởi nền văn hoá mới mà Đức Giê-su đem lại, trong đó các thành viên của gia đình mới, gia đình Nuớc Thiên Chúa sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm, dấn thân, xung phong, nhập trận và chọn lựa Chúa là ưu tiên duy nhất cho cuộc đời mình. Chỉ có như thế thì quyền lực của sự dữ mới bị tiêu diệt dần dần để nhường chỗ cho sự hiển trị của Nuớc Thiên Chúa. Amen! 

Linh Mục Giuse Mai Văn Thịnh DCCT