KHUYẾN MÃI - SỰ KIỆN
Ý Nghĩa Tình Yêu
Ý nghĩa này được thánh Gioan làm rõ nghĩa hơn qua bài đọc hai khi đặt trọng tâm của cuộc sống là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa không bảo hãy yêu Chúa như Chúa yêu chúng ta nhưng là hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu các con.

Tình yêu Chủ là đề của các bài đọc hôm nay. Bài đọc Một dạy rằng việc thực hành các lề luật tôn giáo sẽ không có ý nghĩa nếu việc làm này không phát xuất từ một tâm hồn thành kính tìm kiếm Thiên Chúa. Cắt bì là dấu hiệu của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do Thái nhưng việc cắt bì sẽ không có giá trị nếu con người không thành thật tìm kiếm Chúa. Nói cách khác khi con người thành thật tìm kiếm Chúa họ không cần phải cắt bì. Thái độ tìm kiếm Chúa không chỉ là vấn đề giữ giới răn nhưng còn là cách sống, là thái độ con tim ảnh hưởng mọi việc chúng ta làm, những lời chúng ta nói và những điều chúng ta nghĩ.

Ý nghĩa này được thánh Gioan làm rõ nghĩa hơn qua bài đọc hai khi đặt trọng tâm của cuộc sống là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa không bảo hãy yêu Chúa như Chúa yêu chúng ta nhưng là hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu các con. Một tình yêu trao tặng mà không kỳ vọng sẽ được đáp trả. Tình yêu muốn cho người mình yêu luôn được tốt lành, được cải thiện, được thay đổi, được chữa lành là loại tình yêu của người Samaritanô nhân lành. Người Samiratinô được gọi là nhân lành vì đã dùng tình yêu để đối xử với người mà lẽ ra là kẻ thù của ông. Đây là loại tình yêu lưu chuyển từ Chúa Cha đến Chúa Con, từ Chúa Con đến với chúng ta, và từ chúng ta đến với tha nhân Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con (Jn 15:9).  

Chúa mời gọi chúng ta đến với Chúa không dựa trên công trạng của mình nhưng dựa vào lòng thương xót của Người. Chúa không muốn chúng ta luôn mãi là tù nhân của quá khứ tội lỗi, cũng không muốn chúng ta luôn ở mãi trong cuộc sống bị đóng khung bởi mặc cảm tội lỗi, nhưng muốn chúng ta hãy bước ra khỏi những mặc cảm tội lỗi đó không phải bằng cách ngồi một chỗ và than thân trách phận nhưng là mở rộng tâm hồn và phó thác vào tình yêu Chúa, Đấng luôn muốn trao cho chúng ta một tương lai mới nhưng lại lệ thuộc vào sự hợp tác của chúng ta. 

Sự trợ giúp của Chúa không phải là một sự can thiệp làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn mà không có sự hợp tác tích cực của mình. Người mời gọi chúng ta suy nghĩ sự việc trong ánh sáng mới của tình yêu. Mọi can thiệp của Chúa trong cuộc sống đều được gởi đến với lời mời gọi biến đổi. Biến đổi để chúng ta đủ can đảm vượt qua được mặc cảm tội lỗi là những cảm xúc không lành mạnh để bước đi trên con đường tình yêu. Biến đổi để biết thông cảm cho những thiếu xót của mình để nhờ đó có thể lưu chuyển tình yêu mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa đến những người chung quanh. 

Tình yêu của Chúa không giới hạn chỉ cho những người Chúa yêu nhưng cho tất cả mọi người đặc biệt những người tội lỗi. 

Lm Phaixicô Xavie Nguyễn Văn Tuyết