PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
11/2/2024 - Chúa Nhật 6 Thường Niên Năm B
Tha Thứ và Chữa Lành
Bài đọc thứ nhất là một phần của sách Lêvi được gọi là Luật về sự tinh sạch (Lv 13: 1-2. 44-46). Theo luật này, kẻ mắc bệnh cùi được xem là bị Thiên Chúa chúc dữ và do đó phải bị loại ra khỏi xã hội. Họ là thành phần tội lỗi, ai trò chuyện và đụng vào người họ cũng phạm luật. Vì vậy, theo luật, thì người cùi không được phép đến gần Chúa và Chúa cũng không được phép đụng đến họ. Thế nhưng, ông đã phớt lờ luật cấm, mạnh dạn tiến đến Chúa và van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mk. 1: 40).
Chúa không đuổi ông ta theo luật định nhưng thay vào đó đưa tay và chạm vào ông và nói “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mk. 1: 41). Khi chạm vào ông, Chúa không để ý đến các ngăn cấm của lề luật. Người không nhìn thấy nơi người đàn ông đang đứng trước mặt là một người đang mang chứng bệnh nan y và được xem là ô uế, nhưng nơi ông ta, Chúa thấy một điều gì đó hấp dẫn hơn là sự mục nát mà căn bệnh đã mang lại: một người với đức tin mạnh mẽ, một linh hồn đau khổ đang đặt hết niềm cậy trông vào Người. Chúa hiểu lời cầu xin được chữa lành của ông có ý nghĩa sâu xa hơn là một lời cầu xin giúp đỡ: Tuyên xưng đức tin. Chúa chạm vào anh để nói lên lòng thương xót và hiệp nhất với anh, và cũng để anh được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người.
Trong cuộc sống ai cũng muốn làm nhẹ bớt đau khổ của mình nên nhiều khi dựa vào bất cứ điều gì đó để có thể tạm thời quên đi những đau khổ của mình nhưng đây không phải là điều Chúa muốn, điều Chúa muốn không phải là tạm thời nhưng vĩnh viễn. Chúa chữa bệnh không phải để làm cho người được chữa lành được tạm thời hạnh phúc cũng không phải để được hoan hô nhưng để đánh thức niềm tin về sự quan phòng của Chúa. Chúa chữa lành người cùi là để thi hành một phép lạ cao cả hơn: chữa lành cảm giác ích kỷ suy nhược khiến chúng ta không nhận ra phẩm giá thiêng liêng của những người mà chúng ta cho là phong cùi vì họ không theo khuôn mẫu văn hoá, tôn giáo, giai cấp theo quan niệm của mình.
Sứ điệp quan trọng tin mừng hôm nay không chỉ là việc Chúa chữa người cùi khỏi bệnh nhưng là cách mà Người đối xử với ông. Khi thấy ông đến gần, Chúa không xua đuổi nhưng giơ tay đụng vào người ông để tỏ dấu đón nhận. Cử chỉ đón nhận đầy thương xót này đã chữa ông khỏi mặc cảm và nỗi đau của việc bị loại bỏ. Với cử chỉ này, chẳng những Chúa chữa lành căn bệnh thể lý mà còn chữa lành căn bệnh tâm linh của ông. Chúa đã đổi mới và kiện toàn lại những gì đã bị đỗ vỡ trong ông để ông tái bước vào xã hội nơi đã từ bỏ ông trước đó.
Với lòng thương xót và tha thứ, Chúa dang tay ôm lấy tất cả những ai về lại với Người. Thế nhưng không tha thứ và không thương xót lại là căn bệnh phong cùi của thời đại mà vô tình chúng ta mắc phải. Nhiều khi chúng ta chẳng những không thể tha thứ cho những lỗi lầm của người khác nhưng đôi lúc cũng không tha thứ cho những lầm lỗi của chính mình. Khi cho phép chính mình bị mất tự chủ vì đau khổ và thù hận thì cũng là lúc mà chúng ta từ chối để nối dài cánh tay chữa lành của Chúa cho chính mình và cho người khác. Nếu cho phép thù hận trở thành một phần của cuộc sống thì vô tình chính chúng ta tự cô lập chính mình ra khỏi lòng thương xót của Chúa mà quên rằng tất cả chúng ta đều có quyền để được hưởng lòng thương xót của Chúa.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết