Của Ăn Thức Uống Cho Sự Sống Muôn Đời!
Tác giả Fernando Bermudez trong cuốn sách của ông, “Sự Chết và Phục Sinh ở Guatemala”, khi thuật lại cuộc bách hại tôn giáo ở đấy vào năm 1980 thì kể đến sự kiện những tín hữu vẫn tiếp tục tụ họp với nhau trong các họ đạo, cho dù vắng bóng các linh mục.
Mỗi tháng họ sai phái người đại diện đi tham dự Thánh Lễ tại các vùng mà linh mục còn hoạt động. Những người đại diện này có khi phải đi bộ đến 18 tiếng đồng hồ. Sau Thánh Lễ, mỗi đại diện nhận giỏ Mình Thánh Chúa và mang về cho cộng đoàn của mình được Rước Lễ.
Lòng nhiệt thành gắn bó với Bí Tích Thánh Thể và với nhau bằng mọi giá như thế quả là diễn tả một niềm tin mãnh liệt vào điều được công bố trong Tin Mừng hôm nay.
Trong Tin Mừng hôm nay – cũng là phần áp chót và cao điểm của cả chương 6 đặc biệt của Tin Mừng theo thánh Gio-an (6: 51-58), Chúa Giê-su nhấn mạnh một cách rõ ràng và táo bạo về thứ “lương thực” chính yếu mà chúng ta cần tìm kiếm và cũng chỉ có Ngài mới có thể ban tặng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống…Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.
Rất đáng chú ý là từ những phần trước của chương 6 này, chủ đề nổi bật, “bánh hằng sống / bánh bởi trời” chỉ về Chúa Giê-su theo nghĩa Ngài là chính mặc khải và sự khôn ngoan của Thiên Chúa; là Lời vĩnh cửu và ngôn sứ được “ghi dấu”. Dấn thân trong Niềm Tin vào Ngài và giáo huấn của Ngài vì thế là lối dẫn đến sự sống muôn đời: “Vì ý của Cha Ta là: phàm ai trông thấy Con và tin vào Ngài thí có sự sống đời đời, và ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (6: 40) Đến phần đoạn Tin Mừng tuần này thì hoàn toàn là một diễn từ về Thánh Thể, với ngôn từ về chuyện “ăn và uống”, “thịt và máu”. Quả vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đến với chúng ta qua hình thái của ăn và thức uống, nhu cầu chính yếu cho sự sống. Bánh và rượu được thánh hiến và biến thể bởi quyền năng Chúa Thánh Linh để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Với Đức Tin, chúng ta Rước Lễ là đón nhận trọn vẹn và tròn đầy cùng một Chúa Giê-su, Đấng đã tự hiến trên Thập Giá và Phục Sinh. Nhờ thế, linh hồn chúng ta được dưỡng nuôi và dẫn đưa vào mối tương quan tình yêu và sự sống bất tận mà Chúa Giê-su chia sẻ với Thiên Chúa Cha.
Mối tương quan huyền nhiệm với Chúa Giê-su Thánh Thể dẫn đưa chúng ta đến Thiên Chúa thì cũng đồng thời nối kết chúng ta với nhau cách thâm tình và bền chặt. Chúng ta trở nên chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô – hay nói khác đi, thành viên của Giáo Hội là vậy! (Trong Tân Ước, từ ngữ Hy Lạp – Koinonia - chỉ về “hiệp thông”, hiệp lễ”, “Rước Lễ” cũng được dùng để chỉ về Giáo Hội, cộng đoàn tín hữu, x. 1 Cor 10: 16-17) Đây vừa là vinh hạnh cũng là sứ mạng. Việc Rước Lễ đúng hợp không thể chỉ dừng lại ở chuyện “nghi lễ” hay việc làm chiếu lệ mỗi tuần như “trả nợ”, mà phải bao gồm nỗ lực “ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa” (x. Bài đọc 2, Eph 5: 15-20); trở nên “tấm bánh bẻ ra” cho sự vươn lớn và thiện hảo của người khác; trở nên “Mình Thánh Chúa Kitô” cho thế giới hôm nay và lúc này.
Con người đói khát không chỉ về mặt thể lý mà về mặt tâm linh.
Bí Tích Thánh Thể là chính “lương thực hằng ngày”, “lương thực đi đàng” của chúng ta nơi trần thế và là nếm cảm trước chính bữa tiệc sự sống đời đời nơi thiên quốc.
“Không có Bí tích Thánh Thể, tôi đã không thể đi qua một ngày hay một giờ đời tôi” (Mẹ Tê-rê-sa Calcutta)
Lm. Remy Bùi Sơn Lâm.