PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
Đèn dầu thắp sáng ( Linh mục Bùi Sơn Lâm)
Dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” – chỉ có trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu (25: 1-13) tỏ lộ sự kiện “ngày Quang Lâm” – ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang lúc tận thế (hay lúc kết thúc cuộc đời trần thế của mỗi chúng ta).

 Đèn dầu thắp sáng


Chuyện kể lại, anh Roger Bolduc, qua đời năm 1977 ở độ tuổi 42 tại Maine, USA, sau những tháng ngày dài chống chọi với chứng ung thư. Dẫu vậy, về cuối đường đời, anh lại có thể coi cơn bệnh hiểm nghèo của mình như là một ân huệ Chúa ban. Trước khi chết, anh đã ghi lại tâm sự này: “Có lắm sự tôi đã từng cho là quan trọng trong quá khứ thì bây giờ chúng thật chỉ là những sự rất vụn vặt…Thiên Chúa đã trở nên rất thật đối với tôi…Tôi đã vốn cảm thấy mình gần Chúa nhưng bây giờ còn cảm thấy gần hơn…Tôi thấy Ngài thương tôi hơn bao giờ hết…Tôi cảm được sức mạnh của Ngài hằng ở đấy… Tôi cảm nhận Chúa đã đáp lời cầu xin của tôi…Tôi cảm nhận mình được yêu thương…”

Tốt lành thay, hoàn cảnh khắc nghiệt của bệnh tật nan y lại giúp cho người đàn ông trai trẻ ấy “tỉnh ngộ”, nhận ra sự gì mới là cốt yếu trong đời. Nó giúp anh “tỉnh thức” và “sắp sẵn” để đón gặp Chúa từng ngày, nhiều ngày trước khi đến trình diện trước nhan Chúa vào phút sau cùng của đời mình. Kinh nghiệm và thái độ sống “tỉnh thức” và “sắp sẵn” ấy là một minh họa đậm nét về hoa trái của của chính sự khôn ngoan và phong phú tâm linh mà các Bài Đọc, cách riêng bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hướng đến – dù chúng ta đang mạnh khỏe hay đau yếu lúc này.

Dụ ngôn “Mười Trinh Nữ” – chỉ có trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu (25: 1-13) tỏ lộ sự kiện “ngày Quang Lâm” – ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang lúc tận thế (hay lúc kết thúc cuộc đời trần thế của mỗi chúng ta). Ngày ấy đến là điều chắc chắn mà cũng là chuyện “không chắc ăn” với mỗi người vì nó thường là bất chợt “vào ngày ta không biết, lúc ta không ngờ”. Tương tự như trường hợp các tân lang thuở xưa có tục lệ đón dâu và tiệc cưới lúc khuya tối, và thường khi còn “cắc ké” chọn lựa thời khắc bất ưng nửa đêm! Những cô “phù dâu” thiếu khôn ngoan dự phòng có thể “cạn dầu”, không còn “đèn thắp sáng” để nghinh đón và tháp tùng tân lang vào phòng tiệc cưới.

Trong Kinh Thánh, “dầu ô-liu” là nhiên liệu thắp đèn và cũng là “nhiên liệu” của đời sống. Dầu là biểu tượng của sức khỏe, năng lượng, hoan lạc và sự giàu có. Vì vậy dầu cũng là biểu tượng của sự phú túc thiêng liêng, của sự tuôn đổ sức sống thần linh của Thiên Chúa khiến con người tỏa sáng, sinh động và phong phú. Dầu đèn thì tiêu hao và nếu không được chuẩn bị trước thì có thể không mua kịp lúc cần kíp đêm khuya. Sự phú túc thiêng liêng cũng vậy, cũng phải được vun góp trước từng chút, từng chút trong từng nhịp thở, từng chọn lựa qua nhiều thời gian thì mới mong “có sẵn” mọi lúc và vào thời khắc quan trọng. Sự phú túc này chỉ “mua được” qua việc chuyên cần lắng nghe và thực hành lời Chúa, qua sự vui hưởng những ân phúc chỉ có Chúa mới ban tặng được nhờ các Bí Tích; qua nỗ lực từng ngày đến gần và trở nên giống Chúa hơn. (x. Is 55: 1-7; Mt 7: 24-26). Chất dầu cho sự phú túc thiêng liêng; sự sắp sẵn về mặt tâm linh; mối tương quan tình yêu và sự sống với Thiên Chúa vì thế cũng là loại “tài sản” hay “vốn liếng” mà không cho người khác “vay mượn” được: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn”.


Phải chăng “Ngày Chúa đến” hay “Tiệc Cưới Nước Trời” sẽ còn bất ngờ hơn khi nào hết khi ta vốn nguội lạnh, hững hờ hay biếng nhác với đời sống tâm linh; khi ta miệt mài với cơ ngơi và của cải trần gian, xem chúng như là cứu cánh đời mình; khi ta để đời mình “cong oằn” dưới sức mạnh của dục vọng và hận thù, tội lỗi và sự dữ?


“Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô… Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin, khi Chúa đến, con xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời.” (Nghi thức Rửa Tội)

Lm. Remy Bùi Sơn Lâm