Thánh Kinh, dưới ánh sáng Niềm Tin Phục Sinh, vốn lưu giữ và trân trọng biến cố Chúa Giê-su chịu Phép Rửa là một phần rất ý nghĩa trong truyền thống về "Hiển Linh" (sự tỏ bày vinh quang và ý định của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, truyền thống bao gồm 2 biến cố khác: cuộc viếng thăm / tôn thờ của các Đạo sĩ từ Đông phương và phép lạ nước hóa rượu tại Cana). Tin Mừng Luca (Lc 3:15-16, 21-22) hôm nay làm nổi bật biến cố này là khởi điểm sứ vụ công khai của Chúa Giê-su, cũng là một khởi đầu quyết định cho chương trình cứu độ của Chúa Ba Ngôi. Những chi tiết rất giàu ý nghĩa và biểu tượng được ghi nhận: thí dụ, sau khi Chúa chịu Phép Rửa, Ngài đang cầu nguyện thì "trời mở ra". Đây là hình ảnh gợi nhớ lời nguyện xin từ thuở xa xưa: "Ôi Lạy Chúa, xin hãy xé mở tầng trời ra và ngự xuống" (TV 144:5; Is 63:19) Thiên Chúa giờ đây đáp ứng khát khao của con người để khai mào một thời đại mới qua việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và đến giữa trần gian. Hình ảnh Chúa Thánh Thần "dưới hình cánh bồ câu" sà xuống trên Chúa Giê-su nhắc nhớ điển cố Thần Khí Thiên Chúa "bay lượn trên mặt nước" lúc vũ trụ và vạn vật còn trong hỗn mang tăm tối thuở sắp được tạo dựng. Giờ đây, dưới tác động của cùng một quyền năng Thánh Thần, Chúa Giê-su được thánh hiến và sai đi để rao giảng và khởi đầu một công trình sáng tạo mới – trời mới đất mới của ơn cứu độ như đã hứa (x. Bài đọc 2, Cv 10:34-38), x. St 1:2; Is 65:17-18). Với lời công bố của Chúa Cha từ trời cao: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Chúa Giê-su được khẳng định là Adam mới, Đấng sẽ khôi phục những gì đã bị đổ vỡ và chia cắt bởi tội lỗi từ Adam xưa (x. 1 Cor 15:45,47,49). Ngài là chính Đấng hoàn tất lời hứa từ ngàn xưa (x. Bài đọc 1, Is 42:1-4,6-7)