PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cuộc tạo dựng mới…. Cùng với Giáo Hội toàn cầu chúng ta long trọng mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. là kết điểm của Mùa Phục Sinh, và cũng là “sinh nhật của Giáo Hội” – một khởi đầu mới rất ý nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Thật vậy, các bài đọc Thánh kinh hôm nay làm nổi bật sự nối kết giữa mầu nhiệm Phục Sinh và mầu nhiệm Giáo Hội; giữa sứ mạng của Chúa Giê-su và sứ mạng của các Kitô hữu nhờ việc Chúa Thánh Thần được trao ban cho các tông đồ và các tín hữu mọi thời mọi nơi, như lời Chúa Giê-su đã hứa trước. (Jn 15:26-27) 
Trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Jn 20:19-23), Chúa Kitô ngay ngày đầu Phục Sinh đã hiện đến ở giữa các tông đồ lúc ấy còn đang bị “giam hãm” và co cụm với nhau trong “phòng kín cửa” – trong nỗi kinh hãi tột cùng, đau buồn tan nát và mặc cảm tội lỗi vì biến cố Thập Giá. Người không chỉ tỏ lộ cho các ông thấy chính thật là Người qua vết thương tích trên tay chân và cạnh sườn nhưng “Người thổi hơi vào các ông” mà bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Nhớ lại hình ảnh ý vị trong trình thuật về thuở ban sơ sáng tạo vũ trụ và muôn loài, Thiên Chúa “thổi hơi” vào hình tượng nắn nên từ bụi đất mới làm cho hình tượng ấy thành người thật và người sống, thì đây là công trình “tạo dựng mới” cao trọng và huyền nhiệm hơn bội phần: Chính Thánh Thần, Đấng vốn đã hiện diện từ đầu trong công trình tạo dựng vũ trụ và xuyên suốt sứ vụ của Chúa Kitô; Đấng đã làm cho Chúa Kitô sống lại giờ đây cũng tuôn đổ ơn phúc của Người trên các tông đồ và các tín hữu. Người được sai đến để tháo gỡ họ khỏi xiềng xích của tội lỗi và sự chết, chữa lành họ khỏi u mê và nguội lạnh, uốn nắn và khôi phục họ từ căn rễ cho xứng với địa vị “con cái yêu quý”, “tuyệt tác của Thiên Chúa”. Chính Thánh Thần, Đấng là nguồn sinh lực và tình yêu vĩnh cửu giữa Chúa Cha và Chúa Con giờ đây cũng tái tạo và nối kết mỗi tín hữu với Chúa Kitô và qua Chúa Kitô thì nối kết họ với Thiên Chúa và với nhau trong cùng một “thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô là Giáo Hội (x. Bài đọc 2, 1Cor 12:3b-7.12-13). Theo đấy, Chúa Thánh Thần thật đã mở rộng cánh cửa dẫn đưa họ đến khung trời mới, đến cuộc sống mới và sứ vụ tiếp nối chính sứ vụ của Chúa Kitô: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.
Biểu tỏ về tác động và hoa trái đặc biệt ấy của Chúa Thánh Thần, được Thánh Sử Luca mô tả cách rất ấn tượng và ghi nhận biến cố cả thể này xảy ra vào dịp “Lễ Ngũ Tuần” hay “Lễ Ngày thứ Năm Mươi” của người Do Thái. (Bài đọc 1, Tđcv 2:1-11): Thánh Thần được ban đầy tràn dưới hình gió mạnh và lưỡi lửa trên các môn đệ và họ đã có thể “mở toang cửa” tiến ra với mọi dân nước, trở thành những chứng nhân hùng hồn và khí cụ sắc bén cho Tin Mừng. Dân chúng tề tựu lúc ấy thuộc ngôn ngữ và văn hóa khác nhau mà lại có thể cùng am hiểu và được đánh động bởi một sứ điệp chung, “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” Do Thái Giáo thời thế kỷ thứ nhất cử hành “Lễ Ngũ Tuần” để mừng kỷ niệm việc Thiên Chúa ban Giao Ước và Lề Luật qua Mai-sen trên Núi Sinai vào ngày thứ 50 sau ngày Vượt Qua, nhằm thiết lập “Dân riêng của Người”. Đối với Kitô hữu, giờ đây lại là đại lễ ghi dấu “một thời đại mới”, cùng sự triển sinh của một “Dân tộc mới” bao gồm muôn dân, những người sống theo Giao Ước mới và Lề Luật mới mà Thiên Chúa thực hiện qua sự chết và sống lại của Chúa Giê-su. 
Mừng kính Đại Lễ hôm nay, tôi tự hỏi:
1. Tôi đã nuôi dưỡng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và nương tựa vào ơn phúc của Người thế nào khi đối diện với những chọn lựa, những hành xử và trách nhiệm trong đời mình? (1 Cor 12:3b; Rom 8:13)
2. Tôi tận dụng ơn phúc đa dạng của Chúa Thánh Thần cho ích lợi chung của “thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô” ra sao?
3. Tôi thông thạo đến mức độ nào cái “ngôn ngữ” thiết yếu để tham dự việc rao giảng Tin Mừng? Phương tiện truyền thông duy nhất mà mọi dân nước đều cảm nhận được là chính cái ngôn ngữ của tình yêu, của an hòa, ngay chính và sự thật? 
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ.”
Lm. Remy Bùi Sơn Lâm