PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
LỜI RAO GIẢNG UY QUYỀN
Anh chị em thân mến, Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã gia nhập vào hàng ngũ của những người môn đệ, là chi thể của Đức Kitô, là thành viên của Hội Thánh và là tín hữu của Đức Ki-tô. Để chu toàn vinh dự cao qúy của người tín hữu, chúng ta phải học để nói như Chúa nói, sống như Chúa sống. Đó chính là sứ điệp mà Thánh Mác-cô muốn gửi đến cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Để cổ võ cho ý tưởng nói trên. Xin mời anh chị em lắng nghe một chứng từ. Chứng từ này đã được cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan ghi trong “Chủ nhật hồng giữa mùa tím,” như sau.
Sau năm 1975, có một người bị bịnh phong cùi ra ngồi ăn xin tại chợ Bến Thành. Nhân viên công lực và các chú bảo vệ muốn làm đẹp thành phố, nên đã yêu cầu anh rời đi nơi khác. Anh ta không nghe, ngược lại có vẻ tức giận, hung hăng và sẵn sàng cắn người nào muốn đụng vào anh. Trước tình huống đó, không ai dám đến gần, vì sợ bị lây nhiễm. Thấy thế anh ta càng hăng máu hơn.
 
Vào lúc đó, có người đến báo tin cho văn phòng bịnh xá chuyên trị bịnh da liễu gần đó. Nhân viên trực ban lúc đó là dì Hai Loan. Thực ra dì là một nữ tu, nhưng người ta quen gọi là dì cho nên chẳng còn mấy ai nhớ đến thân phận của sơ nữa, chỉ biết đó là dì Hai Loan. Khi nhận được tin báo, dì lập tức đến hiện trường và nhận ra anh là một trong những bịnh nhân do các dì coi sóc. Nhìn thấy anh, dì tiến đến gần, với một giọng nhỏ nhẹ, cực kỳ dễ thương, dì nói: “Trời ơi! Tại sao con lại ở đây. Các dì và những người bạn của con đang lo lắng cho con. Đứng dậy, rồi đi về nhà với dì.” Không một chút phản kháng, anh lập tức đứng dậy và theo chân dì đi về như một chú chiên con.” Các chú an ninh, những người qua đường nhìn hiện tượng đó bằng một cặp mắt ngạc nhiên và kính phục. Họ tự hỏi nhau rằng: “Bà này là ai mà lại có uy quyền như thế!”
 
Anh chị em thân mến,
Uy quyền của dì Hai Loan tại chợ Bến Thành không lệ thuộc vào vị trí của dì trong xã hội hay phẩm trật trong Giáo Hội. Dì là một nữ tu, bàn tay dì cũng chưa được xức dầu năng quyền. Dì là con người bình thường như mọi người chúng ta. Nhưng mối quan hệ, tình yêu thương của dì dành cho Chúa đã tạo nên uy quyền khiến lời dì nói có sức mạnh ảnh hưởng trên người khác.
 
Dì Hai Loan và các nữ tu trong cộng đoàn của dì đều ý thức rằng sức mạnh biến đổi khiến người khác phải nghe theo đều xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng mà họ đã gặp gỡ, tin yêu và phó thác. Mối quan hệ thân thiết này tỏa sáng trên lời họ nói khiến cho lời trở thành sức mạnh lay chuyển người khác.
 
Còn phản ứng của dân chúng khi chứng kiến các sự kiện nói trên thì giống như phản ứng của dân thành Ca-phác-na-um đã dành cho Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân theo!”
 
Vẫn biết là còn nhiều ơn gọi và đặc sủng khác để xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Nhưng, trước tiên chúng ta phải chu toàn bổn phận của người tín hữu bằng lời nói cũng như việc làm. Chỉ có lời rao giảng đi kèm với hành động yêu thương mới chứng thực rằng chúng ta có uy quyền và uy quyền đó từ Thiên Chúa.
 
Sau cùng, ai trong chúng ta cũng được Chúa yêu thương. Đây là một hồng ân thật cao cả, một chân lý luôn luôn mới và không bao giờ bị phai lạt. Vì thế, bằng lời nói yêu thương kèm theo các chứng từ, chúng ta sẽ làm cho người khác nhận ra điều khác lạ và mới mẻ để tôn vinh Chúa. Vì thế, hãy nói và sống như Chúa đã sống, Amen!
 

Lm. Giuse Mai Văn Thịnh.