Tha thứ, Thông Cảm: Trọng Tâm cuộc Sống Gia Đình.
Nếu như tại hang đá Belem xa xôi, Chúa đã tỏ mình cho các trẻ mục đồng, thì giờ đây tại đền thờ, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của người Do thái, Chúa lại tỏ mình cho hai người cao niên, đại diện cho những người trông đợi cuối cùng của Giao ước cũ về Đấng Cứu Thế. Được Thánh Thần tác động hai vị này đã giới thiệu Hài nhi mà họ đang “bồng trên tay cho” thế giới với lời chúc tụng của Simêon: “chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân.” Liền sau lời chúc tụng, ông cũng giới thiệu về Thánh gia, đặc biệt về Đức Maria: “Hài nhi con bà sẽ được đặt lên để nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay chỗi dậy và làm dấu gợi lên chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” Tin mừng cũng làm nổi bậc hình ảnh của Thánh với lời giới thiệu vắn gọn “Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người,” cũng như nơi chốn mà Thánh gia sinh sống: “hai người trở về lại Galilêa, và con trẻ lớn lên, mạnh mẽ và đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.”
Trong gia đình việc chào đón đứa trẻ vừa mới chào đời là thời gian của vui mừng, khỏang khắc của hy vọng và hứa hẹn, thế nhưng, tiên tri Simêon đã công bố những lời gây nhiều bối rối chứ không phải là những điều mong đợi bình thường của một người mẹ trẻ vừa mới sinh con – “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.” Lời tiên tri này là một cảnh giác rằng trong khi vui hưởng hạnh phúc gia đình chúng ta cũng phải luôn chuẩn bị tâm hồn để sẵn sàng đón nhận những đau khổ và phiền muộn phát xuất từ gia đình.
Những đau khổ và phiền muộn này có thể là việc con cái không vâng lời, hoặc vợ chồng bất đồng ý kiến với nhau trong việc dạy dỗ con cái, đặc biệt trong việc giáo dục đức tin khi có người cho rằng không nên rửa tội cho con cái vì đứa trẻ chưa trưởng thành. Tại sao không để các em lớn lên, đủ khôn rồi tự quyết định đến việc rửa tội cho chính em, mà không nhận ra rằng trong đời sống xã hội, toàn thể gia đình là một thực thể chung, và tôn giáo giữ vai trò quan trọng trong việc hàn gắn sự đoàn kết gia đình. Chỉ trong mối liên hệ tình yêu của gia đình mới có thể cung cấp một môi trường an toàn và tốt lành để nuôi dưỡng khát vọng tình yêu nơi con cái và người thân. Chỉ trong môi trường như vậy mọi người mới có thể lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, trong ơn nghĩa Chúa.
Nếu cha mẹ là người cung cấp cho con cái những nhu cầu căn bản của cuộc sống thì có lẽ không nhu cầu nào căn bản hơn là nhu cầu đức tin. Có lẽ không một cha mẹ nào nghĩ rằng tốt nhất hãy để con cái lớn lên và chúng sẽ quyết định liệu chúng có muốn đi học hay không đi học v.v... Là cha mẹ, chúng ta quyết định cho các em, bởi vì khi quyết định, chúng ta biết rõ rằng khi lớn lên các em có thể quyết định để tiếp tục hay không tiếp tục với những gì chúng ta đã thay chúng quyết định khi chúng còn bé. Thật là sai lầm nếu chúng ta không cho con cái đi học hoặc dạy chúng ngôn ngữ và truyền thống của gia đình với lý do là tôn trọng quyền tự do chọn lựa của đứa trẻ.
Gia đình sống còn là vì được xây dựng trên nền tảng bền vững của tình yêu. Vì thế hãy dùng tình yêu mà đối xử với nhau. Chúng ta không thể thay đổi nhiều điều trong thế giới nhưng ảnh hưởng của chúng ta trong gia đình rất quan trọng. Người Việt chúng ta thường dùng hai tiếng nhà tôi để chỉ về vợ hay chồng mình. Vợ hay chồng mới đúng là nhà mình chứ không phải là cái nhà mấy trăm ngàn đô la. Đánh mất con tim thì cái nhà dù có mắc đến mấy đi nữa cũng chỉ là một bãi tha ma trống vắng. Giàu có, sang trọng, hạnh phúc, không đến từ những căn nhà đắt tiền mà đến từ những con tim ở trong căn nhà đó.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết.