Thiên Chúa Ba Ngôi Trong Cuộc Sống.
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vì thế chúng ta không thể dùng từ ngữ con người để giải thích một cách khoa học nhưng chỉ cảm nghiệm được bằng con mắt đức tin. Với con mắt đức tin, chúng ta hiểu rằng điều quan trọng không chỉ là tìm kiếm lý luận để giải thích là tại sao lại có “Ba trong Một” hay “Một trong Ba” nhưng còn xem mầu nhiệm này có ý nghĩa gì trong đời sống và làm sao để áp dụng trong cuộc sống đức tin của mình.
Với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa không hiện hữu một cách đơn độc nhưng là trong một cộng đoàn của yêu thương và chia sẻ. Một cộng đoàn mà trong đó sự khác nhau không có nghĩa là chống đối nhau nhưng là bổ túc cho nhau. Trong cộng đoàn này, quyền lợi chung được đặt trên quyền lợi cá nhân. Các thành viên của cộng đoàn liên kết với nhau và hoàn hảo trong nhau bằng tình yêu. Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha đến với Chúa Con qua Chúa Thánh Thần. Chúa Cha trao tất cả cho Chúa Con; Chúa Con dâng hiến tất cả cho Chúa Cha; và Chúa Thánh Thần là sự hiệp thông của sự trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con. Ba Ngôi hiện hữu cho nhau và vì nhau.
Mầu nhiệm này nói lên ý nghĩa rằng Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự khác biệt. Người tạo ra sự khác biệt và bao hàm sự khác biệt đó trong ba ngôi cùng một bản thể của Người. Và Người cũng là Thiên Chúa của sự hiệp nhất. Hiệp nhất của những gì khác biệt. Cho nên mầu nhiệm này vạch ra cho chúng ta con đường của yêu thương và hiệp nhất. Chúng ta chỉ có thể yêu thương và hiệp nhất với nhau khi biết đồng hành gắn bó với tha nhân, xem tha nhân là thành phần cho sự hiện hữu của mình, và ý thức rằng mình chỉ có thể sống nhờ tha nhân, với tha nhân và cho tha nhân; và rằng sự sống không phải là một thực tại đơn độc, khép kín, nhưng là chia sẻ và hiệp thông. Vì vậy chúng ta cần phải từ bỏ lối sống cá nhân và biệt lập. Lý tưởng tâm linh Kitô giáo không phải là chạy trốn ra khỏi thế giới nhưng bước vào thế giới để liên kết với những con người trong thế giới để qua đó nhận ra được hình ảnh Thiên Chúa trong chính mình qua tha nhân.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thách thức chúng ta chấp nhận sự liên hệ tay ba giữa chính mình - Thiên Chúa - và tha nhân. Nghĩa là chúng ta chấp nhận và tôn trọng cái khác biệt của nhau: khác biệt về cá tính, về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, địa vị, phái tính, tuổi tác v.v… và sống với những khác biệt đó, hiệp nhất những khác biệt đó nếu chúng ta muốn đi đúng con đường mà ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi soi dẫn. Cho nên chỉ khi nào chúng ta sống trong mối tương quan của tình yêu với Thiên chúa và với những người chung quanh thì khi đó chúng ta mới sống trọn vẹn là một người với hình ảnh Thiên Chúa, một Kitô hữu đích thực.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta một chân lý đơn giản về tình yêu gia đình. Gia đình được bắt đầu khi hai người nam và nữ lập gia đình với người mình yêu, trong tình yêu họ sinh con đẻ cái. Ba thành phần trong gia đình cha, mẹ và con cái được kết hiệp bởi tình yêu là phản ảnh mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nếu tình yêu là sức mạnh nối kết của Thiên Chúa Ba Ngôi thì trong gia đình tình yêu cũng phải là sợi dây ràng buộc để cha, mẹ và con cái trở nên một. Mầu nhiệm này nhắc rằng trong cuộc sống gia đình, khi cảm thấy mối tương quan trong tình yêu có nguy cơ bị rạn nứt hãy chạy đến cầu xin hồng ân Chúa Ba Ngôi trợ giúp để loại bỏ những khác biệt, những hiểu lầm để qua đó cùng nhau kiện toàn đời sống gia đình theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Nếu ba thành phần trong gia đình: cha,mẹ và con cái không dùng tình yêu và sự thông cảm để đối xử với nhau thì chúng ta sẽ mãi vẫn còn xa lạ với mầu nhiệm này.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết