PHỤNG VỤ - MỤC VỤ | Suy Niệm
Tuần Thánh và Đau Khổ
Chúa nhật lễ lá bắt đầu cho Tuần Thánh là ngày biều lộ vinh quang và cũng là khởi đầu cho một thảm kịch sẽ xảy ra với Chúa Giêsu. Khung cảnh ngày lễ lá được sắp xếp với cuộc hành trình vinh quang của Chúa Giêsu từ Bethania đến Giêrusalem và kết thúc qua cái chết như một tên tội phạm trên thập giá tại đồi Canvê
 Hình ảnh Chúa Giêsu cởi lừa tiến vào Giêrusalem và một đoàn người đông đảo với cành lá ô liu đón rước Chúa như một vị vua khải hoàn với lời tung hô: “Hosanna! Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến” đã làm cho đám đông du khách đang tụ họp nhân ngày lễ hội phải dừng bước và ngạc nhiên. Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng những lời tung hô đó lại bị lãng quên một cách nhanh chóng, bởi vì chỉ trong thời gian ngắn sau đó, biến cố khải hoàn đã biến thành bi kịch, cành ô liu và những lời tung hô trước đó giờ đây biến thành những ngọn roi tiếng la hét lên án Người.
Tuần Thánh là thời điểm thánh thiêng nhất của Hội Thánh trong năm phụng vụ. Là tuần nói lên cao điểm tình yêu mà Chúa dành cho nhân loại, là thời điểm để chúng ta có cơ hội để nhìn lại cuộc sống và nhận lấy trách nhiệm về lỗi lầm của chính mình. Bài Thương Khó kể lại những biến cố cuối cùng cuộc đời Chúa Giêsu và cái giá mà Nguời phải trả vì tội lỗi con người. Một người Thầy bị phản bội bởi Giuda, bị chối từ bởi Phêrô, bị tất cả mọi người xa lánh, ngay cả các môn đệ thân tín của Người. Trong cô đơn, Người tìm đến các môn đệ thì các môn đệ đang ngủ, tìm đến Chúa Cha để được an ủi nhưng lại không nhận được một sự ủi an nào: “Lạy Chúa, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi?”
Trong Tuần Thánh, Hội Thánh mời gọi chúng ta hãy đem hết tâm hồn hoà nhịp trong Chúa Kitô bằng cách chiêm ngắm mầu nhiệm Thương khó để nhận ra rằng là một Kitô hữu, trong suốt cuộc sống, chúng ta cũng sẽ chịu cùng một thân phận như Chúa Giêsu. Nghĩa là cũng phải thông phần vào sự đau khổ với Chúa nếu muốn cùng chia sẻ vinh quang với Ngưòi. Nói cách khác để chia sẻ vinh quang phục sinh với Người chúng ta sẽ không thể nào không bước đi trên mà Chúa đã đi qua, con đường dẫn đến đồi Canvê.  
Chiêm ngắm mầu nhiệm thương khó với tâm tình cầu nguyện chúng ta có thể hình dung ra được hình dáng của mỗi người chúng ta qua hình ảnh chối Thầy của Phêrô, phản bội của Giuđa, sợ trách nhiệm của Philatô, sự mỉa mai và chỉ trích của đám đông đang chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa.
 Đau khổ chỉ có ý nghĩa và giá trị nếu chúng dẫn đến sự sống lại, một cuộc sống mới và một niềm vui mừng mới. Nghĩa là chúng trở nên nguồn của sự tốt lành khi chúng giúp chúng ta trở thành một người trưởng thành hơn, yêu thương, chăm sóc, thông cảm với chính mình và với người khác hơn.
Lm FX Nguyễn Văn Tuyết