THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
12 điều cần biết và chia sẻ về Chúa Ba Ngôi (Tuyết Nguyễn)
Sách tóm tắt Giáo lý giáo hội Công Giáo giải thích: “Mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Các Kitô hữu được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Số 44).

 12 điều cần biết và chia sẻ về Chúa Ba Ngôi

Chúng ta đang mừng lễ Chúa Ba Ngôi và Giáo hội Công giáo dạy rằng Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo. Nhưng chúng ta biết được gì về mầu nhiệm này? Lịch sử của mầu nhiệm này là gì? Mầu nhiệm này có nghĩa là gì? Và làm thế nào để mầu nhiệm này có thể được chứng minh?

Sau đây là 12 điều cần biết và chia sẻ.

1. Thuật ngữ “Ba Ngôi” xuất phát từ đâu?

Thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Latin “trinitas,” có nghĩa là “ba” hoặc “bộ ba.” Từ này tương đương trong tiếng Hy Lạp là “triados.”

2. Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên khi nào?

Việc sử dụng thuật ngữ này lần đầu tiên (có thể đã được sử dụng trước đó hiện đã bị mất) là vào khoảng năm 170 sau Công nguyên bởi Theophilus of Antioch, người đã viết:

“Cũng tương tự như ba ngày trước khi các vị sao chiếu sáng là hình dáng Ba Ngôi [Τριάδος], của Thiên Chúa, Lời của Người và sự khôn ngoan của Người. Và loại thứ tư là hình dáng con người cần ánh sáng để có được Thiên Chúa, Lời Chúa, sự khôn ngoan, con người” (“Autolycus,” 2:15).

3. Chúa Ba Ngôi là gì?

Sách Tóm lược Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích điều này như sau:

“Giáo hội bày tỏ đức tin Ba Ngôi của mình bằng cách tuyên xưng niềm tin vào sự duy nhất của Thiên Chúa, trong đó có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ là một Thiên Chúa vì mỗi Ngôi vị đều sở hữu trọn vẹn bản tính Thiên Chúa duy nhất và bất khả phân ly như nhau. Ba Ngôi thực sự khác biệt với nhau do các mối quan hệ đặt Ba Ngôi trong sự tương ứng với nhau. Chúa Cha sinh ra Chúa Con; Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Số 48).

4. Chúa Ba Ngôi có phải là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin Kitô giáo không?

Đúng như vậy. Sách tóm tắt Giáo lý giáo hội Công Giáo giải thích: “Mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Các Kitô hữu được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Số 44).

5. Giáo hội xác tín Chúa Ba Ngôi không thể sai lầm khi nào?

Tín điều Chúa Ba Ngôi được xác định qua hai giai đoạn, tại Công đồng Nicaea thứ nhất (325 SCN) và Công đồng Constantinople thứ Nhất (381 SCN).

Công đồng Nicaea thứ Nhất xác định thiên tính của Chúa Con và viết phần Kinh Tin Kính đề cập đến Chúa Con, Ngôi Hai Thiên Chúa. Công đồng này được triệu tập để đối phó với dị giáo Arianism, vốn cho rằng Ngôi Con chỉ là một siêu nhân chứ không phải là Thiên Chúa.

Công đồng Constantinople thứ nhất xác định thiên tính của Chúa Thánh Thần và viết phần Kinh Tin Kính đề cập đến Chúa Thánh Thần.

Công đồng này giải quyết một dị giáo được gọi là Macedonianism (vì những người ủng hộ tà giáo này đến từ Macedonia), vốn phủ nhận thần tính của Chúa Thánh Thần. Dị giáo này còn được gọi là Pneumatomachianism (một cụm từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chiến đấu với Thánh Linh”).

6. Làm thế nào để có thể chứng minh Chúa Ba Ngôi?

Chúa Ba Ngôi chỉ có thể được chứng minh qua sự mặc khải thiêng liêng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Mầu nhiệm này không thể được chứng minh bằng lý trí tự nhiên hay chỉ từ Cựu Ước. Bản Tóm tắt Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nêu rõ rằng:

“Thiên Chúa đã để lại một số dấu vết về bản thể Ba Ngôi của Ngài trong công trình tạo dựng và trong Cựu Ước, nhưng bản thể thâm sâu nhất của Ngài như là Ba Ngôi Chí Thánh là một mầu nhiệm không thể tiếp cận được chỉ với lý trí hay thậm chí đức tin của dân Israel trước khi Con Thiên Chúa nhập thể và việc sai đến của Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm này đã được Chúa Giêsu Kitô mạc khải và đây là nguồn gốc của mọi mầu nhiệm khác” (Số 45).

Mặc dù từ vựng dùng để diễn tả tín điều Chúa Ba Ngôi cần thời gian để phát triển, nhưng chúng ta có thể chứng minh những khía cạnh khác nhau về tín điều trong Kinh thánh.

7. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh từ Kinh Thánh rằng chỉ có một Thiên Chúa?

Việc chỉ có một Thiên Chúa đã được nói rõ trong Cựu Ước. Sách tiên tri Isaia tuyên bố:

“Các ngươi là chứng tá của Ta! Sấm của Yavê, tôi tớ của Ta mà Ta đã chọn, ngõ hầu các ngươi nhận biết và tin vào Ta và các ngươi hiểu rằng: Chính là Ta! Trước Ta không có thần nào đã được nắn ra, và sau Ta sẽ không có nữa” (Is 43:10).

“Này đây lời Yavê, vua Israel, Ðấng chuộc nó, Yavê các cơ binh, "Ta là đầu, Ta là cuối, ngoài Ta ra, không có thần linh nào cả!” (Is 44:6).

8. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh Ngôi Cha là Thiên Chúa?

Chúa Cha được tôn xưng là Thiên Chúa nhiều lần trong Tân Ước. Chẳng hạn, Thánh Phaolô tuyên bố:

“Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Cha đầy tình thương xót và là Thiên Chúa mọi niền an ủi” (2 Cor 1:3).

9. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh Ngôi Con là Thiên Chúa?

Điều này được công bố ở nhiều nơi trong Tân Ước, kể cả ở phần đầu của Tin Mừng thánh Gioan:

“Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa….Và Ngôi Lời đã thành xác phàm, và ở giữa chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người, vinh quang như của Con một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật” (Ga 1:1,14).

Chúa Giêsu nói với Thôma: “Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta; hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin, mà là như người thành tín!” Thôma đáp lại và nói với Ngài: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20:27-28).

10. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh Ngôi Ba là Thiên Chúa?

Trong sách Công vụ, Chúa Thánh Thần được miêu tả là một Ngôi vị, Đấng có thể nói và có thể bị lừa dối:

“Đang khi họ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Chúa Thánh Thần phán: ‘Hãy để riêng Banaba và Saulô cho ta để làm công việc ta đã kêu gọi họ làm’” (Cv 13:2).

Phêrô nói: “Ananya, làm sao Satan đã lấp đầy lòng ngươi, làm ngươi dối trá với cả Thánh Thần, mà khấu trừ giấu đi một phần giá đất? Của còn, là còn cho ngươi; có bán đi, ngươi vẫn tự quyền xử định! Hà tất ngươi phải bận tâm bày ra chuyện này? Không phải ngươi đã dối người ta đâu, mà là với Thiên Chúa.” (Cv 5:3-4).

Điều này mô tả Chúa Thánh Thần bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra (“Đấng Ta sẽ sai đến”). Ở đây, hoạt động bên ngoài của Ba Ngôi phản ánh mối quan hệ hỗ tương của các Ngài với nhau. Cũng có thể nói rằng Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha qua Chúa Con.

11. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là những Ngôi vị riêng biệt?

Sự khác biệt giữa các Ngôi vị có thể được chứng minh qua việc Chúa Giêsu nói chuyện với Chúa Cha. Điều này sẽ không có ý nghĩa gì nếu họ là cùng một người chứ không phải ba ngôi riêng biệt.

Lúc ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu các điều ấy với hạng khôn ngoan thông thái, mà đã mạc khải ra cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha!” (Mt 11:25-26).

Sự thật rằng Chúa Giêsu không phải là Chúa Thánh Thần, một Đấng Bầu Chữa khác của các môn đệ, Đấng đã được Chúa Giêsu mặc khải khi nói rằng Người sẽ cầu nguyện với Chúa Cha và Chúa Cha sẽ ban cho “Đấng Bầu Chữa khác,” là Chúa Thánh Thần. Điều này cho thấy sự khác biệt của cả Ba Ngôi: Chúa Giêsu cầu nguyện; Chúa Cha sai đến; và Thánh Thần ngự đến:

“Và Ta sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các ngươi một Ðấng Bầu Chữa khác, để Ngài ở với các ngươi luôn mãi. Thần khí sự thật, thế gian không thể lĩnh nhận, vì nó không thấy cũng không biết Ngài, Còn các ngươi biết Ngài, vì Ngài lưu lại nơi các ngươi và ở trong các ngươi” (Ga 14:16-17)

12. Làm thế nào chúng ta có thể chứng minh rằng Chúa Con được Chúa Cha sinh ra và Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con?

Việc Chúa Con được Chúa Cha sinh ra được biểu lộ bằng tên của những Ngôi vị này. Con cái được sinh ra bởi những người cha. Ngôi Hai trong Ba Ngôi sẽ không phải là Con nếu Người không được Ngôi thứ nhất sinh ra là Cha của Người.

Việc Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con được phản ánh trong một tuyên bố khác của Chúa Giêsu:

“Khi Ðấng Bầu Chữa đến, Ðấng Ta sẽ gởi đến từ nơi Cha, Thần khí sự thật, từ Cha xuất ra, Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Ga 15:26).