THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Các Giáo hội tại Đất Thánh yêu cầu các Kitô hữu hạn chế các lễ hội trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh
Việc hạn chế tổ chức các lễ hội thông thường trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh là để tưởng nhớ những người đã mất nhà cửa hoặc những người thân trong gia đình.
Các Thượng phụ và lãnh đạo các Giáo hội tại Giêrusalem đã yêu cầu các Kitô hữu trong khu vực hạn chế tổ chức các lễ hội thông thường trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh để tưởng nhớ những người đã mất nhà cửa hoặc những người thân trong gia đình.
 
Trong một tuyên bố vào ngày 10 tháng 11, các nhà lãnh đạo Giáo hội ở cả Châu Âu lẫn Thánh địa đã kêu gọi những hành động liên đới với những người đang đau khổ, cũng như vì hòa bình và việc giải trừ quân bị.
 
“Hàng năm, trong những khoảng thời gian thiêng liêng của Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta trên khắp Thánh địa khấp khởi vui mừng trong việc chuẩn bị cho dịp mừng kỷ niệm sinh nhật Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, bằng cách tổ chức các nghi lễ tôn giáo quy mô lớn và các lễ hội công cộng với màn trình diễn ánh sáng rực rỡ và những trang hoàng lộng lẫy”, các nhà lãnh đạo Giáo hội nói.
 
Tuy nhiên, “đây không phải là thời điểm bình thường”, họ cho biết thêm, đồng thời lưu ý rằng kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza sau cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 của Hamas nhằm vào Israel, “bầu không khí buồn bã và đau đớn” đã bao trùm.
 
Khoảng 1.400 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 của Hamas và hơn 200 người khác đã bị bắt làm con tin. Israel ngay lập tức trả đũa, và cho đến nay, chính quyền Palestine ước tính hơn 11.200 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ và trên không, hơn 4.100 trong số đó là trẻ em.
 
Vô số người đã bị thương nặng và mất nhà cửa, người thân, công việc, trong khi những người khác vẫn chưa biết rõ về số phận của những người thân trong gia đình của họ.
 
“Bất chấp những lời kêu gọi liên tục của chúng tôi về một lệnh ngừng bắn nhân đạo và giảm leo thang bạo lực, chiến tranh vẫn tiếp tục”, các lãnh đạo nhà thờ Thánh Địa cho biết, đồng thời yêu cầu các cộng đoàn tương ứng của họ “sát cánh với những người phải đối mặt với những đau khổ như vậy bằng cách từ bỏ bất kỳ hoạt động lễ hội không cần thiết nào trong năm nay”.
 
“Chúng tôi cũng khuyến khích các Linh mục và tín hữu tập trung nhiều hơn vào ý nghĩa tâm linh của Lễ Giáng Sinh trong các hoạt động mục vụ và cử hành phụng vụ trong thời gian này”, với hầu hết các nỗ lực đều hướng đến những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh.
 
Họ cũng yêu cầu các tín hữu cầu nguyện, ủng hộ và quảng đại đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ, đồng thời cũng cho biết rằng khi làm như vậy, “chúng ta sẽ hỗ trợ những người tiếp tục đau khổ”.
 
Vào ngày 10 tháng 11, một buổi cầu nguyện đại kết đã được tổ chức tại Giêrusalem với sự tham dự của Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ nghi lễ Latinh của Giêrusalem và các nhà lãnh đạo Giáo hội khu vực khác.
 
Đức Hồng Y Pizzaballa đã cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì những lời an ủi và liên đới thường xuyên của ngài, đồng thời cho biết Đức Thánh Cha thường xuyên liên lạc với Cha phó của Giáo xứ nghi lễ Latinh ở Gaza cũng như các Nữ tu thuộc nhiều Dòng tu khác nhau đang sống ở Dải Gaza.
 
“Chúng ta không được đánh mất hy vọng về hòa bình! Chúng ta phải chọn cầu nguyện thay vì bạo lực và sự hủy diệt, bởi vì tiếng nói cuối cùng là sự sống”, Đức Hồng Y Pizzaballa nói, bày tỏ sự liên đới của mình với cư dân tại Gaza.
 
Trong bài phát biểu trong giờ Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã một lần nữa lên tiếng về cuộc xung đột, đồng thời bày tỏ sự gần gũi của ngài với cả những người Israel và người Palestine đang đau khổ.
 
“Tôi ôm lấy họ vào thời điểm đen tối này. Và tôi cầu nguyện cho họ rất nhiều”, Đức Thánh Cha nói, “vũ khí phải dừng lại, chúng sẽ không bao giờ mang lại hòa bình và xung đột không được lan rộng! Đã quá đủ rồi! Đã quá đủ rồi, hỡi những người anh em, đã quá đủ rồi!”.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết những người bị thương ở Gaza phải được giúp đỡ “ngay lập tức” và dân thường phải được bảo vệ. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển đến “dân số đang kiệt quệ” ngay lập tức.
 
Đề cập đến khoảng 240 con tin Israel vẫn đang bị giam giữ ở Gaza, trong số đó có người già và trẻ em, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng họ phải được trả tự do và cho biết rằng mọi người, bất kể chủng tộc hay sắc tộc, “đều thiêng liêng, quý giá trước mặt Thiên Chúa”, và có quyền được sống trong hòa bình”.
 
“Chúng ta đừng đánh mất hy vọng: chúng ta hãy cầu nguyện và nỗ lực làm việc không mệt mỏi để ý thức về lòng nhân đạo chiến thắng sự cứng lòng”, Đức Thánh Cha nói.
Khi kết thúc phiên họp toàn thể mùa thu, Ủy ban Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) cũng đã lên tiếng về cuộc chiến ở Gaza và các cuộc xung đột toàn cầu khác, đồng thời kêu gọi theo đuổi hòa bình và chấm dứt việc buôn bán vũ khí.
 
Trong một tuyên bố vào ngày 10 tháng 11 với tiêu đề “Châu Âu, hãy đưa ra một tầm nhìn đổi mới về công lý và hòa bình cho lục địa và thế giới!”, các Giám mục đã bày tỏ sự quan ngại về sự suy thoái đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
 
“Thế giới dường như đang thụt lùi vào một trạng thái nguy hiểm, gợi nhớ đến một số thời kỳ đen tối nhất của loài người vốn đáng lẽ phải được ghi lại trong sách lịch sử”, các Giám mục nói, đồng thời đề cập đến một cộng đồng quốc tế ngày càng phân cực.
 
“Tình hình được thúc đẩy bởi logic cạnh tranh mới giữa các cường quốc, cùng với việc làm xói mòn sự tin tưởng vào các khuôn khổ hợp tác đa phương”, các Giám mục nói, đồng thời cho rằng động thái này mở ra cơ hội cho “sự leo thang không thể kiểm soát với những hậu quả thảm khốc cho toàn thể nhân loại”.
 
“Trong những tháng gần đây, khu vực lân cận Liên minh Châu Âu đã trở thành một vòng lửa thực sự, cả ở phía Đông lẫn phía Nam”, các Giám mục nói, đồng thời bày tỏ lo ngại về “cuộc chiến tranh xâm lược đang diễn ra của Nga đối với Ukraine”, sự leo thang của xung đột bạo lực giữa Armenia và Azerbaijan, và sự bùng nổ chiến tranh ở Gaza.
 
Các Giám mục Châu Âu đảm bảo những lời cầu nguyện của mình cho những người đau khổ, đồng thời cảnh báo rằng sự phân cực quốc tế và sự bất ổn trong khu vực ở Trung Đông cũng gây ra những hậu quả cho Châu Âu, vì chúng góp phần “khuấy động nỗi sợ hãi, làm suy yếu đối thoại và đe dọa sự gắn kết xã hội”.
 
“Các hiện tượng nguy hiểm đang gia tăng ở một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như chủ nghĩa bài Do Thái, sự cực đoan hóa và bài ngoại, thường được thúc đẩy bởi sự lan truyền thông tin sai lệch có hệ thống và dẫn đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực và khủng bố, điều mà chúng tôi cực lực lên án dưới mọi hình thức và biểu hiện của chúng”, các Giám mục nói.
 
COMECE kêu gọi các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và công dân EU quay trở lại “hai giấc mơ vĩ đại” về sự thống nhất và hòa bình mà những người sáng lập châu Âu đã hình dung, đồng thời cho biết những cội nguồn này và giá trị của các hiệp ước khác nhau của EU là một lời mời “tái cam kết với con đường đó”.
 
“Chúng tôi mơ về một Châu Âu tận dụng đầy đủ tiềm năng của mình để giải quyết các xung đột và thắp lên những ngọn đèn hy vọng, hoạt động như một lực lượng đoàn kết, đáng tin cậy và thống nhất, trân trọng các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền, trong và ngoài biên giới của mình”, các Giám mục nói.
 
Như đã làm trong quá khứ, các Giám mục nhấn mạnh rằng hòa bình không chỉ đơn giản là không có chiến tranh, mà còn đòi hỏi những nỗ lực nhất quán và mạch lạc trong việc thúc đẩy công lý, phẩm giá con người, phát triển con người toàn diện và chăm sóc môi trường.
 
Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị ở EU tích cực “định hình và mang lại cho lục địa và thế giới một tầm nhìn đổi mới về sự ổn định, công lý và hòa bình”.
 
“Trong khi không nhượng bộ logic chiến tranh, Liên minh châu Âu nên mở ra các tiến trình đối thoại mới và triển khai một nền ngoại giao hòa bình cố kết”, các Giám mục nói, đồng thời cho biết EU phải trở thành “một cầu nối thực sự và là người kiến tạo hòa bình trong khu vực lân cận và trên thế giới”.
 
Châu Âu phải đóng vai trò dẫn đầu trong việc tái xây dựng “kiến trúc hòa bình toàn cầu, bắt nguồn từ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và sự độc lập chính trị của các quốc gia khác”, các Giám mục nói.
 
Các Giám mục cũng kêu gọi việc kiểm soát vũ khí toàn cầu chặt chẽ hơn và đồng thời cho biết các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí phải được ưu tiên “nhằm thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau như một trụ cột của sự ổn định quốc tế”.
 
Minh Tuệ (theo Catholic Herald)
Nguồn DCCT Viêt Nam