THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
ĐHY Trần Nhật Quân có thể am tường chế độ cộng sản hơn bất cứ ai trong bộ ngoại giao Toà Thánh.
ĐHY Trần Nhật Quân lý luận rằng lặng thà đừng có thoả hiệp còn hơn là chấp nhận một thoả hiệp XẤU. Đừng cứu vãn những gì mà chế độ cộng sản cho phép cứu vãn. Đó là một ảo tưởng do những kẻ lừa bịp đưa ra.

Đức Hồng Y Joseph Trần Nhật Quân - giám mục danh dự tại Hông Kong - sẽ không dễ gì im hơi lặng tiếng. Điều này sẽ gây khó khăn cho bộ ngoại giao Vatican trong khi âm thầm đạt đến một thoả thuận với chính quyền cộng sản Bắc Kinh. Trong lúc Toà Thánh sắp đạt đến một thoả thuận với Trung Quốc thì đây là một cơ hội để nhìn lại những kinh nghiệm khi Giáo Hội phải đương đầu với những thế lực thù địch. 

Cụ thể là khi ĐHY Trần Nhật Quân công khai tố cáo đường lối ngoại giao của Toà Thánh thì chúng ta thử nhìn lại chính sách Ostpolitik - Hướng Về Phía Đông - từng được Vatican áp dụng thời thập niên 60 và 70. Chính sách này nhằm tạo một không gian “dễ thở” cho giáo hội đang phải sống dưới chế độ cộng sản bằng cách giảm bớt não trạng chống cộng triệt để đồng thời củng cố sinh hoạt của giáo hội “hầm trú”. 

Chính sách Ostpolitik được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đề xướng để tìm kiếm một lối đi khác so với đường hướng quyết liệt của Đấng Đáng Kính Giáo Hoàng Piô 12 đóng cửa mọi liên lạc trực tiếp với chế độ Xô Viết và các nước chư hầu. 

Thực tế chính sách Ostpolitik đã bị đa số hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Thầm Lặng lúc bấy giờ phản đối quyết liệt. Họ là những người đang bị đàn áp đằng sau Bức Màn Sắt. Thoả hiệp với ma quỷ không khác gì phản bội những người đang làm chứng cho đức tin. ĐHY Trần Nhật Quân đã đưa ra một hình ảnh sống động khi ngài ví tương tự như Thánh Giuse thương thảo với Vua Hêrođê sau vụ tàn sát các hài nhi. 

Đường lối Ostpolitik đã mang nhiều đau khổ đến cho chính ĐTC Phaolô Đệ Lục. Trong khi ngài coi đó là con đường đúng đắn, thì ngài chắc chắn chẳng vui gì khi phải thương thảo với ma quỷ. Ngài coi đó là con đường tốt đẹp nhất để “salvare il salvabile” - cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn. Chính sách Ostpolitik không cứu vãn được gì nhiều. Nó cũng không củng cố giáo hội “thầm lặng” đằng sau Bức Màn Sắt mặc dầu nó giúp phóng thích một số giám mục bằng cách phải lưu đầy biệt xứ. Giáo hội kiên cường duy nhất dưới chế độ cộng sản là giáo hội Ba Lan và tại đó lãnh đạo giáo hội là ĐHY Stefan Wyszyński từng tuyên bố là chỉ mình ngài mới có thể đương đầu với chính quyền cộng sản Ba Lan. Sự kiên cường này đã làm các nhà ngoại giao của Vatican phải bó tay trong suốt 30 năm trời. 

Quan điểm hiện nay của ĐHY Trần Nhật Quân cũng tương tự như vậy. Thế nhưng có khác chăng đó là sự bất đồng được thông tin rộng rãi. Sau khi ĐHY Parolin - quốc vụ khanh Toà Thánh - lên tiếng bênh vực đường lối ngoại giao của Vatican với Bắc Kinh, thì một chức sắc cao cấp đã dành cho Tạp Chí America một cuộc phỏng vấn dài mà qua đó đường lối ngoại giao của Toà Thánh được giải thích chi tiết. 

Vị chức sắc này nhìn nhận: “đây là một thoả hiệp nhức nhối. Đó không phải là một thoả hiệp tốt. Đó cũng không phải là một thoả hiệp mà chúng tôi thích thú gì. Thế nhưng đó là thoả hiệp tốt đẹp nhất mà chúng tôi có thể đạt được vào lúc này trong tinh thần “cứu vãn những gì còn có thể cứu vãn”.

Về phần ĐHY Trần Nhật Quân lại lý luận là lặng thà đừng có thoả hiệp còn hơn là chấp nhận một thoả hiệp XẤU. Đừng cứu vãn những gì mà chế độ cộng sản chỉ cho phép cứu vãn. Đó là một ảo tưởng do những kẻ lừa bịp đưa ra. Cách thức hay hơn cả là cứu vãn sự toàn vẹn và lòng trung thành của các nhân chứng tin mừng. 

Nguồn catholicherald
Vũ Nhuận chuyển ngữ