THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Đến Miến Điện và Bangladesh, ĐTC sẽ kêu gọi đối thoại.
ĐHY Charles Bo hy vọng các sáng kiến liên tôn cho hoà bình sẽ là trọng tâm trong các cuộc gặp gỡ của ĐTC tại Miến Điện là nơi mà cũng giống như các quốc gia khác tôn giáo đang trở thành công cụ của các nhóm cực đoan.

Trong khi cuộc khủng hoảng tỵ nạn Rohingya vẫn tiếp tục tại Miến Điện và Bangladesh, thế nhưng trọng tâm chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại hai quốc gia này sẽ là cuộc đối thoại liên tôn, vấn đề nghèo khổ và khí hậu biến đổi. 

ĐHY Charles Bo của tổng giáo phận Ngưỡng Quang, Miến Điện, cho biết: “ĐTC sẽ lưu tâm đến vấn đề công bằng kinh tế và công bằng môi sinh. Đòi công bằng trong hai lãnh vực này sẽ mang hoà bình và hài hoà cho khu vực”.

Mặc dầu ở những cấp độ khác nhau, thế nhưng hai quốc gia mà ĐTC sẽ thăm viếng đều đang phải tranh đấu để kiến tạo một nền dân chủ tôn trọng quyền lợi của những cộng đồng thiểu số về mặt sắc tộc và tôn giáo. Các khác biệt này lại càng sâu sắc hơn vì nghèo đói, vì khí hậu biến đổi, cụ thể là vì hạn hán, lũ lụt và bão tố ngày càng dữ dội và thường xuyên hơn. 

Cuộc tông du của ĐTC sẽ bắt đầu ngày 27 tháng 11 khi Ngài đến Miến Điện và lưu tại đó đến trưa ngày 30 tháng 11 trước khi đến Bangladesh và sẽ trở về Rome ngày 2 tháng 12. 

Cả hai quốc gia này đang bị lún chìm trong tình trạng căng thẳng chính trị và sắc tộc. Đức Giám Mục Paul Ponen Kubi thuộc giáo phận Mymensingh giải thích: “Tại Bangladesh, chúng tôi chỉ là một cộng đoàn công giáo rất nhỏ bé, thế nhưng mọi người đều muốn sống hoà bình mặc dầu có nhiều tôn giáo và sắc tộc. Chúng tôi hy vọng ĐTC sẽ nhấn mạnh đến điều này”.

Trong khi đó ĐHY Bo hy vọng các sáng kiến liên tôn cho hoà bình sẽ là trọng tâm trong các cuộc gặp gỡ của ĐTC tại Miến Điện là nơi mà cũng giống như các quốc gia khác tôn giáo đang trở thành công cụ của các nhóm cực đoan. Bên cạnh đó, ĐHY Bo cũng hy vọng ĐTC sẽ tránh xử dụng từ "Rohingya" - một thuật ngữ có thể sẽ gây thêm căng thẳng tại Miến Điện. Tuy nhiên sự hiện diện và nỗ lực đối thoại của ĐTC với các đối tác khác nhau sẽ xác nhận vai trò hoà giải của các tôn giáo tại đất nước này”. 

Nguồn ucanews
Vũ Nhuận chuyển ngữ