THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Đông đảo tham dự Ngày The Unborn Child tại TGP Sydney.
“Mỗi khi một mạng sống con người được hình thành, thì thai nhi đó là một sự nhắc nhở tình yêu của Thiên Chúa dành cho tạo hoá và chúng ta được nhắc nhở về sự ước mong của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong cuộc sống vĩnh hằng".

Ban tổ chức Day of the Unborn Child - Ngày Thai Nhi chết trong lòng mẹ - ghi nhận trong lịch sử 20 năm chưa bao giờ số người tham dư đông đảo như vậy. Trong sự kiện diễn ra vào hôm chủ nhật 24.3.2019, ông Paul Hanrahan - trưởng ban tổ chức và cũng là giám đốc tổ chức Family Life International - cho tuần báo Catholic Weekly hay rằng số người tham dự vào khoảng 3.000. 

Mặc dầu có một nhóm nhỏ “pro-choice” biểu tình phản đối ở công viên Hyde Park, thế nhưng đoàn kiệu “phò sự sống” gồm trẻ già lớn bé vẫn tuần hành trật tự trong tiếng cầu kinh qua các đường phố tại trung tâm thương mại Sydney. Ngày tưởng nhớ các thai nhi chết trong lòng mẹ đã được bắt đầu với một thánh lễ do ĐGM phụ tá Anthony Randazzo chủ tế tại Vương Cung Thánh Đường St Marys. 

Trong bài chia sẻ, ngài nói: “Mỗi khi một mạng sống con người được hình thành, thì thai nhi đó là một sự nhắc nhở tình yêu của Thiên Chúa dành cho tạo hoá và chúng ta được nhắc nhở về sự ước mong của Thiên Chúa dành cho chúng ta trong cuộc sống vĩnh hằng. Trong trường hợp của thai nhi vô tội, sự làm chứng của chúng ta có thể cứu được một mạng người”. 

Tiếp theo thánh lễ là buổi đọc Kinh Truyền Tin vào lúc 12g trưa và sau đó là cuộc rước kiệu do ĐGM Randazzo dẫn đầu tiến về phía nghị viện tiểu bang và tại đó, nữ luật sư Anna Walsh đã có bài phát biểu chính. Bà nói: “Sự thật về thai nhi chết trong lòng mẹ đó là điều này hiện hữu như là một con người duy nhất - trong thời gian và không gian - và sự thật này tồn tại khi cuộc sống của thai nhi bị kết liễu qua hành động phá thai”. 

Trong khi tại Úc, hành động phá thai đang không còn được coi là phạm pháp nữa và có thể tiểu bang NSW cũng sẽ đi theo con đường đó. Bà Walsh nhận định: “Việc hợp pháp hoá phá thai giả thiết là ban quyền cho phụ nữ và tôn trọng phẩm giá của họ, thế nhưng việc chọn lựa mà họ đối diện lại là kết thúc mạng sống của một người khác, mạng sống này hoàn toàn tuỳ thuộc nơi họ”. 

Bà Walsh khuyến khích những ai muốn bảo vệ sự sống là “Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử để được sống, được rửa tội, được thêm sức như một người công giáo để có bổn phận công bố sự thật”. 

Đoàn rước kiệu tiếp tục di chuyển đến Martin Place, đi dọc con đường Elizabeth để trở lại Vương Cung Thánh Đường là nơi nghi thức ban phép lành diễn ra. Ông Hanrahan đã cám ơn những người tham dự và đặc biệt cám ơn cảnh sát đã giữ gìn an ninh trật tự. Ông cũng không quên cám ơn những người biểu tình phản đối vì “đã cho chúng tôi thấy được sự khác biệt giữa văn hoá sự sống và văn hoá của sự chết”. 

Nguồn catholicweekly
Vũ Nhuận chuyển ngữ