THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Đức Hồng Y Miến Điện Maung Bo bênh vực bà Aung San Suu Kyi.
“Bao lâu mà còn bà Aung San Suu Kyi, chúng ta vẫn còn hy vọng. Bà là một phụ nữ kiên cường có những nguyên tắc mạnh mẽ. Mặc dầu bị quốc tế chỉ trích, thế nhưng Miến Điện vẫn hy vọng nơi bà có những giải pháp nhân đạo”.

Nhân vật cao cấp nhất trong giáo hội công giáo tại Miến Điện là ĐHY Bo đã lên tiếng bênh vực bà Aung San Suu Kyi trước làn sóng cộng đồng quốc tế chỉ trích bà về sự ứng phó đối với cuộc đàn áp sắc dân Rohingya.

Lý lẽ được ĐHY Bo đưa ra để bênh vực cho bà là vì theo hiến pháp Miến Điện quyền hành của bà bị giới hạn và thực tế quyền hành vẫn nằm trong tay của quân đội. ĐHY giải thích: “Bao lâu mà còn bà Aung San Suu Kyi, chúng ta vẫn còn hy vọng. Bà là một phụ nữ kiên cường có những nguyên tắc mạnh mẽ. Mặc dầu bị quốc tế chỉ trích, thế nhưng đất nước Miến Điện vẫn hy vọng nơi bà có những giải pháp nhân đạo”.

Bên cạnh đó, ĐHY Bo còn nhấn mạnh mặc dầu Miến Điện đang trong tiến trình cải tổ dân chủ, thế nhưng vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi. Ngài nói: “Chúng tôi nghĩ rằng bà đang tìm cách ổn định một nền dân chủ non trẻ. Chúng tôi phải mất 60 năm mới đến được giai đoạn này”.

Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị thế giới lần thứ 24 của tổ chức Apostleship of the Sea ở Đài Loan, ĐHY Bo nhấn mạnh là quân đội vẫn còn ảnh hưởng đáng kể trong sinh hoạt chính trị ở Miến Điện.

Ước lượng có khoảng 500.000 người Rohingya đã phải lánh nạn qua nước láng giềng Bangladesh trong 5 tuần qua sau khi quân đội Miến mở cuộc càn quét sau những cuộc tấn công của lực lượng chiến binh cứu quốc Arakan Rohingya nhắm vào các đồn cảnh sát tại tiểu bang Rakhine.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã đưa ra bằng cớ chứng tỏ làng mạc của người Rohinga đã bị binh lính Miến Điện và các thành phần dân quân tự vệ đốt phá.

Theo ĐHY Bo: “Quân đội Miến cũng như quân đội Thái Lan, họ không có đủ kiên nhẫn với tiến trình dân chủ. Họ từng cướp chính quyền dân chủ ba lần. Tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi có kế hoạch nhằm đưa Miến Điện ra khỏi gọng kềm của quân đội – hiện đang chiếm 25% ghế tại quốc hội – cũng như trong các phủ bộ chính quyền. Đó là quả là một tình trạng đu dây mà tôi tin chắc bà sẽ phải vô cùng thận trọng và khéo léo”.

Một tin buồn cho bà Aung San Suu Kyi là trong tuần qua một chiến dịch đang được phát động với 400.000 người đã ký tên yêu cầu rút lại giải Nobel hòa bình dành cho bà.

Trong khi đó ĐHY Maung Bo hy vọng chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Miến Điện vào tháng 11, sẽ giúp cải thiện hoàn cảnh của sắc dân thiểu số Rohingya. ĐHY nói: “ĐTC là một tiếng nói tích cực bênh vực người Rohingya.

Từ Vatican Ngài đã lên tiếng 3 lần và thế giới nhận ra sự quan tâm của Ngài. Do đó cuộc viếng thăm của Ngài chắc chắn sẽ được cộng đồng thế giới lưu tâm”.

Nguồn catholicherald

Vũ Nhuận chuyển ngữ