Đức Giám mục José Ignacio Munilla của Orihuela-Alicante, Tây Ban Nha, đã mô tả chủ nghĩa xã hội như một hệ tư tưởng "thù nghịch của Thánh giá" tại Hội nghị về Công giáo và Đời sống Công cộng do Hiệp hội các nhà truyền giáo Công giáo tổ chức vào cuối tuần qua.
Trong bài phát biểu có tựa đề “Suy nghĩ và Hành động trong Thời đại Bất ổn.” Đức giám mục Munilla chỉ ra rằng “chúng ta không thể đối mặt với cuộc tấn công này và sự áp đặt có hệ thống của một xã hội mới chỉ bằng những lời chỉ trích mới và cần sự lãnh đạo chính trị mới, mà đúng hơn là cần có một phong trào biến đổi. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này thông qua sự đổi mới của sự thánh thiện.”
Ngài cũng khẳng định rằng xã hội cần một “sự thay đổi về thế giới quan, trong đó chúng ta chuyển từ kẻ thù của Thánh giá trở thành con người của Thánh giá” bởi vì, “không có Thánh giá thì không có vinh quang; thật là một sai lầm lớn khi tạo ra sự phân đôi giữa Thánh giá và hạnh phúc; Thánh giá dẫn chúng ta đến vinh quang, và vinh quang là hạnh phúc trọn vẹn.”
Trong bối cảnh này, ngài mô tả chủ nghĩa xã hội như là “hệ tư tưởng thù nghịch của Thánh giá” mà các xu hướng chính trị và xã hội học của nó hiện đang trở thành “nấm mồ của các dân tộc, trong đó ‘nhà nước bảo mẫu’ sẽ giải quyết mọi vấn đề”, mà không kêu gọi sự hy sinh và cam kết cá nhân.
Kết quả là, một “cuộc khủng hoảng nhân chủng học được tạo ra, nâng nó lên lãnh vực luật pháp và nguyên tắc tối cao, tìm cách chống lại trật tự tự nhiên, biến vết thương thành một quyền thay vì chấp nhận vết thương tình cảm, là hậu quả của sự tan rã của gia đình.”
Ngài nói thêm “chúng ta đang cố gắng bù đắp cho sự trống rỗng bên trong của con người bằng chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa vật chất; trốn tránh sự cam kết tình cảm và mở lòng để đón nhận món quà của sự sống; và đau khổ được xem là thứ gì đó không tương thích với phẩm giá con người.”
Đối mặt với sự không chắc chắn là một thách thức sống còn
Trong cuộc họp, triết gia người Pháp Fabrice Hadjadj đã đề cập đến chủ đề chung của hội nghị, “Quo Vadis? Bạn đi đâu? Suy nghĩ và hành động trong thời kỳ bất ổn,” kêu gọi mọi người hãy suy nghĩ: “Bạn đang đi đâu? Chứ không phải ‘thế giới đang đi đâu,” bởi vì với câu hỏi này, người ta có thể là một khán giả và nội dung của việc phàn nàn.”
Ông chỉ ra rằng không thể tránh khỏi việc trải qua “cảm xúc khó thú nhận nhất: sợ hãi. Không phải là sợ chết, mà là sợ phải sống theo thách thức, sợ về việc bảo tồn danh tiếng cho việc sống còn của chúng ta”.
Ở châu Âu hậu hiện đại, thách thức này được thể hiện trong một lục địa, một xã hội “tuyệt vọng về những gì là con người và xu hướng hợp pháp hóa phá thai và an tử; sửa đổi lịch sử thuộc địa, gộp chung người xâm chiếm với các nhà truyền giáo.”
Nhà triết học chỉ ra, đây là những đòi hỏi “mà nhiều người tưởng tượng được gắn liền với sự khẳng định về quyền tự do cá nhân nhưng trong thực tế, chúng xuất phát từ cái chết của khát vọng. Chúng tương ứng với sự kích động của sự tuyệt vọng.”
Càng ít sự hiện diện của Kitô giáo, khủng hoảng càng lớn
Hội nghị cũng có sự tham gia của nhà hoạt động nhân quyền Ayaan Hirsi Ali, người đã nhấn mạnh rằng “càng ít sự hiện diện của Kitô giáo trong xã hội,” khủng hoảng xã hội ở phương Tây càng lớn.
Trong bài thuyết trình có tựa đề “Tự do tìm kiếm sự thật,” bà Hirsi giải thích rằng chủ nghĩa đa văn hóa và toàn cầu hóa là “hai mặt của một đồng xu.” Một mặt, sự tái phân chia xã hội, với sự phát triển của các nhóm bản sắc của những người “không có lòng trung thành với quốc gia mà họ gọi là quê hương.” Mặt khác, có sự bốc hơi của một tập hợp các giá trị chung, sự phân mảnh của xã hội và dân tộc hóa và chủng tộc hóa về tất cả các vấn đề chính trị.
Phục hồi một Kitô giáo mạnh mẽ và đáng tin cậy
Theo bà Hirsi, “chúng ta phải phục hồi một Kitô giáo mạnh mẽ và đáng tin. Các Giáo hội phải ngừng việc hội nhập mọi trào lưu mới và khôi phục lại thông điệp và lời dạy đích thực của Chúa Kitô”.
Bà cũng kêu gọi “chống lại sự suy giảm dân số đang diễn ra” ở châu Âu bằng cách tạo điều kiện hấp dẫn cho những người trẻ kết hôn và lập gia đình. Bà cũng kêu gọi các trường học, trường đại học và nghệ thuật công nhận “vai trò của họ trong việc thúc đẩy tinh thần Kitô giáo để dẫn đến sự hình thành các thể chế khiến phương Tây trở nên phi thường”.
Bà kết luận, “Không thể đạt được bất kỳ thay đổi nào trong số này nếu chúng ta không tổ chức, tham gia và huy động để đạt lấy đa số mạnh mẽ tham gia và hành động. Chỉ bằng cách phục hồi ý thức thống nhất dựa trên các giá trị chung chứ không phải trên sự khác biệt, chúng ta mới có thể xây dựng được những xã hội mạnh mẽ và gắn kết hơn trong thời điểm bất ổn này.”
Sự hiện diện của những người trẻ tuổi tại hội nghị
Hội nghị lần thứ 26 về Công giáo và Đời sống Công cộng tìm cách tiếp cận những người trẻ nói riêng, đưa ra một số cơ hội cụ thể, chẳng hạn như một cuộc họp bàn tròn với các nhà truyền giáo kỹ thuật số.
Sự kiện có sự tham dự của 1.000 người trẻ từ nhiều thành phố khác nhau của Tây Ban Nha, những người đã lắng nghe những chứng từ và sự khích lệ từ ba nhà truyền giáo trên mạng xã hội: Carlos Taracena, Carla Restoy và Irene Alonso, cùng nhiều người khác.
Nguồn: CNA