THÔNG TIN | Tin Giáo Hội
Ý nghĩa Thánh Giá Giêrusalem (Tuyết Nguyễn)
Bài báo này ngay lập tức đã bị Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và nhiều người khác trên mạng xã hội chỉ trích là chống lại Thiên Chúa Giáo, điều này nêu lên câu hỏi: Biểu tượng này thực sự có ý nghĩa gì?

Hãng thông tấn Associated Press gần đây đã đưa tin rằng ông Pete Hegseth một người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề nghị làm Bộ trưởng Quốc phòng, có hình xăm trên ngực bị hảng thông tấn này cho là liên quan đến chủ nghĩa dân tộc Kitô Giáo và thậm chí còn cho là chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Bài báo tập trung đặc biệt vào hình xăm Thánh giá Jerusalem trên ngực của Hegseth.

Bài báo này ngay lập tức đã bị Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và nhiều người khác trên mạng xã hội chỉ trích là chống lại Thiên Chúa Giáo, điều này nêu lên câu hỏi: Biểu tượng này thực sự có ý nghĩa gì?

Thánh giá Jerusalem là một trong những biểu tượng Thiên Chúa Giáo dễ nhận biết nhất ở bất kỳ nơi nđâu. Nó bao gồm một cây Thánh giá lớn ở giữa, được gọi là Thánh giá chính, có các thanh ngang ở bốn đầu lồng vào bốn cây Thánh giá Hy Lạp nhỏ hơn. Đây là một thiết kế đơn giản, được sử dụng trong nhiều thế kỷ để đại diện cho Giáo hội ở Jerusalem và để nhắc các tín đồ và thế giới về bốn tác giả Tin mừng, Jerusalem và sự đau khổ của Chúa Kitô. Đây cũng là phù hiệu gắn liền chặt chẽ với Tòa Thượng phụ Latinh của Jerusalem và đặc biệt Dòng kỵ sĩ Mộ Thánh Jerusalem.

Biểu tượng của hành hương.

Thánh giá lần đầu tiên xuất hiện vào những năm trước khi Đức Giáo hoàng Urban II kêu gọi Cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất (1096–1099) để giành lại Jerusalem và Đất Thánh từ tay người Hồi giáo. Lúc đó nó được gọi là Thánh giá Thập tự chinh, nó đặc biệt gắn liền với huy hiệu của hiệp sĩ Thập tự chinh nổi tiếng Godfrey de Bouillon, một trong những người lãnh đạo của Cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất, nhưng nó không được sử dụng phổ biến cho đến nửa sau thế kỷ 13 khi nó được coi là biểu ngữ chính của Vương quốc Jerusalem cai trị phần lớn Đất Thánh cho đến khi các hiệp sĩ Thiên Chúa Giáo bị trục xuất khỏi Đất Thánh vào năm 1291. Ngay cả sau khi thời đại Thập tự chinh kết thúc, những người hành hương vẫn mang theo ảnh Thập tự giá Jerusalem, kết nối hành trình đức tin của họ với cuộc khổ nạn của Thiên Chúa và mong muốn được nhìn thấy Thành phố Thánh.

Thánh giá đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trong hình ảnh của Kitô giáo kể từ đó. Nó xuất hiện trong đồ trang trí nghệ thuật và kiến trúc của các nhà thờ và những tòa nhà Kitô hữu, như một thiết kế trên bìa Kinh thánh, và rất thường như một món đồ trang sức được đeo để tuyên bố đức tin Kitô giáo của một người. Chính phủ Georgia cũng đã sử dụng các phiên bản của Thánh giá Jerusalem cho quốc kỳ của mình kể từ đầu thế kỷ 14.

Du khách và người hành hương đến Jerusalem cũng thường nhận được một hình xăm cây Thánh giá khi kết thúc cuộc hành hương của họ. Đây là một truyền thống có từ hơn 700 trăm năm trước. Có lẽ người được xăm nổi tiếng nhất là vào năm 1862 khi Albert, hoàng tử xứ Wales, Vua Edward VII tương lai, đã nhận được hình xăm Thánh giá Jerusalem trên cánh tay của mình trong chuyến thăm Đất Thánh. Hai mươi năm sau, hai người con trai của ông, Hoàng tử George, công tước xứ York (Vua George V tương lai) và Hoàng tử Albert Victor, công tước xứ Clarence, cũng đã nhận được hình xăm Thánh giá Jerusalem khi đến thăm Jerusalem.

Ngày nay, Thánh giá Jerusalem vẫn là biểu tượng chính của Tòa Thượng phụ Latinh Jerusalem, giáo phận Công giáo Latinh tại Đất Thánh, Cơ quan Bảo vệ Đất Thánh do Dòng Phanxicô điều hành và Dòng Hiệp sĩ Mộ Thánh Jerusalem.

Dòng Mộ Thánh là một tổ chức giáo dân và dòng hiệp sĩ Công giáo được đặt dưới sự bảo vệ của Tòa thánh, mục đích chính là đào sâu đức tin giữa các thành viên và hỗ trợ các hoạt động từ thiện, xã hội và các tổ chức của Giáo hội tại Đất Thánh.

30.000 thành viên trên toàn thế giới giúp xây dựng bệnh viện, trường học, phòng khám và các cơ sở truyền giáo không chỉ hỗ trợ các Kitô hữu mà còn hỗ trợ cả người Hồi giáo, người Do Thái và thậm chí cả những người không theo đạo. Theo cách đó, dòng này cũng thúc đẩy hòa bình, sự hòa hợp giữa các tôn giáo và tương lai ổn định cho Đất Thánh. Các thành viên của dòng được nhận ra ngay lập tức qua chiếc áo choàng của họ, được trang trí bằng Thánh giá Jerusalem màu đỏ. Ấn phẩm chính thức của ban lãnh đạo có trụ sở tại Rome của dòng này được gọi là Thánh giá Jerusalem.

Ý nghĩa của Thánh giá Jerusalem

Năm yếu tố của Thánh giá Jerusalem, Thánh giá chính và bốn Thánh giá Hy Lạp có những ý nghĩa tâm linh khác nhau qua nhiều thế kỷ, nhưng phản ánh của mỗi Thánh giá không tập trung vào các cuộc thập tự chinh hay chủ nghĩa dân tộc mà vào Chúa Kitô.

Một cách giải thích là năm yếu tố tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa Kitô trên Thánh giá thông qua năm vết thương của Người: Những cây Thánh giá nhỏ hơn mô tả các vết thương trên bàn chân và bàn tay của Chúa Kitô, và cây Thánh giá chính tượng trưng cho việc đâm vào cạnh sườn Người bởi ngọn giáo của viên đội trưởng.

Một phiên bản khác đề xuất rằng bốn cây Thánh giá nhỏ hơn tượng trưng cho bốn tác giả tin mừng Mathêu, Mác-cô, Luca và Gioan, trong khi cây Thánh giá thứ năm dành cho Chúa Kitô. Một phần của cách giải thích đó là bốn cây Thánh giá nhỏ cho thấy cách mà các 4 tác giả Tin mừng đã giúp truyền bá Phúc âm đến bốn phương trời và chúng ta được mời gọi tuyên xưng đức tin cũng như tập trung tâm trí và trái tim vào ngôi mộ trống trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem.

Bất kỳ ai cũng có thể đeo Thánh giá Jerusalem hoặc xăm hình lên người. Nhưng dù chúng ta đeo nó quanh cổ hay đặt nó trên cơ thể, mục đích duy nhất của chúng ta là tôn kính và chấp nhận những gì mà nó tượng trưng. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rất hay vào năm 2009 khi viếng thăm Mộ Thánh ở Jerusalem:

“Nơi thánh này, nơi quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ trong sự yếu đuối và những đau khổ của con người được biến đổi bởi vinh quang của Thiên Chúa, mời gọi chúng ta một lần nữa hãy nhìn bằng con mắt đức tin vào khuôn mặt của Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Khi chiêm ngưỡng than xác vinh quang của Người, được biến đổi hoàn toàn bởi Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể nhận ra đầy đủ hơn rằng ngay cả bây giờ, qua phép rửa tội, ‘chúng ta mang trong thân xác mình sự chết của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu có thể được biểu lộ trong chính thân xác hay chết của chúng ta’ (2 Cr 4:10-11). Ngay cả bây giờ, ân sủng của Sự Phục sinh đang hoạt động trong chúng ta! Mong rằng việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm này thúc đẩy những nỗ lực của chúng ta, với tư cách là cá nhân và là thành viên của cộng đồng giáo hội, để phát triển trong đời sống của Chúa Thánh Thần thông qua sự hoán cải, sám hối và cầu nguyện. Xin Chúa giúp chúng ta, nhờ quyền năng của cùng một Thánh Thần, vượt qua mọi xung đột và căng thẳng phát sinh từ xác thịt, và loại bỏ mọi trở ngại, cả bên trong lẫn bên ngoài, đang cản trở chứng tá chung của chúng ta về Chúa Kitô và sức mạnh hòa giải của tình yêu Người.